Hàng chục nghìn trường mẫu giáo Trung Quốc đóng cửa, chuyện gì đã xảy ra?
Các bậc phụ huynh Trung Quốc thường xếp hàng trước cổng trường, đôi khi là cả đêm, để nộp đơn vào những trường mẫu giáo có tiếng. Nhưng giờ đây, các trường lại gặp khó khăn trong việc tuyển đủ học sinh cho các lớp vào năm học mới.
20.000 trường mẫu giáo Trung Quốc đóng cửa
Angels Kindergarten là một trường mẫu giáo quốc tế tư thục tại vùng ngoại ô phía Tây quận Thanh Phố của Thượng Hải. Ngôi trường này từng tự hào có 16 phòng học, hai sân chơi lớn, đội ngũ y tế riêng và giáo viên nước ngoài cho chương trình giảng dạy song ngữ. Nhưng hiện tại, trường học đã đóng cửa vĩnh viễn sau 18 năm hoạt động.
Được biết, hồi tháng 5, trường đã thông báo với phụ huynh rằng trường sẽ đóng cửa vì "không còn khả năng chi trả tiền thuê nhà và chi phí hoạt động khổng lồ" nữa. Hợp đồng thuê cũng đã hết hạn vào ngày 30/6.
Khi Trung Quốc  chuẩn bị cho năm học mới bắt đầu vào tuần tới, trường hợp của Angels khiến các nhà hoạch định giáo dục và kinh tế của đất nước này phải cảnh giác. Có vẻ, tình trạng trường mẫu giáo đóng cửa đang ngày một gia tăng trên toàn quốc.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, số lượng trường mẫu giáo trong nước đã giảm 20.000 trường từ năm 2021 đến năm 2023, từ 294.832 xuống còn 274.480 trường. Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm, triển vọng việc làm của người trẻ tuổi ảm đạm và sự thắt chặt đối với nền giáo dục vì lợi nhuận, hầu hết các trường mẫu giáo đóng cửa đều là trường tư thục.
Các bậc phụ huynh thường xếp hàng trước cổng trường, đôi khi là cả đêm, để nộp đơn vào những trường mẫu giáo có tiếng. Nhưng giờ đây, các trường lại gặp khó khăn trong việc tuyển đủ học sinh cho các lớp vào năm học mới.
Theo Nikkei Asia, số trẻ em theo học hệ mầm non đã giảm 5 triệu em vào năm 2023 xuống còn 40,92 triệu, con số thấp nhất kể từ năm 2014. Đồng thời, 170.000 việc làm của giáo viên mầm non toàn thời gian đã “biến mất” vào năm ngoái, theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Đối với Li, một người mẹ ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, tiền bạc là vấn đề khiến cô và chồng cân nhắc nên cho con gái 2 tuổi học trường mẫu giáo công hay tư. “Chúng tôi đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ (hơn 34 triệu đồng) cho con gái mỗi tháng. Tôi không đủ khả năng để sinh con thứ hai hoặc thứ ba ngay bây giờ”, cô chia sẻ.
Khi các bậc phụ huynh và nhà giáo dục phải đối mặt với chi phí và gánh nặng gia tăng do ngày càng ít trẻ em đi học, thì bên cạnh đó, Trung Quốc đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng: lực lượng lao động có xu hướng ngày càng thu hẹp, trong khi những nỗ lực của Chính phủ nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và phát triển lực lượng lao động có trình độ cao, kỹ năng tốt không hề suôn sẻ.
Nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI, Yuki Katayama cho biết còn quá sớm để đánh giá các biện pháp của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề này. Nguyên nhân là bởi nước này mới chỉ chuyển sang khuyến khích sinh con từ năm 2021.
Nhưng lấy ví dụ về Nhật Bản, quốc gia dẫn đầu trong số các nước đang gặp vấn đề về suy giảm dân số, bà Katayama cảnh báo không nên ưu tiên chăm sóc người cao tuổi và trì hoãn các chính sách chăm sóc trẻ em.
"Nhật Bản đã ưu tiên các chính sách để đảm bảo hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi, chẳng hạn như dịch vụ chăm sóc, trong khi đó, các biện pháp giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm được cho là quá ít và quá muộn. Trung Quốc có thể phải đối mặt với vấn đề tương tự", bà nhấn mạnh.
Khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tìm cách đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh  giảm trong dài hạn, các sáng kiến tiềm năng đã được đưa ra. Hồi tháng 7, nước này đã vạch ra một kế hoạch chi tiết cho tương lai của đất nước. Trong số đó bao gồm các hướng dẫn nhằm cải thiện chính sách hỗ trợ sinh đẻ, giảm chi phí sinh nở, phương pháp nuôi dạy trẻ em và giáo dục….
Những động thái này có hiệu quả hay không vẫn còn cần thời gian chứng minh. Nhưng Chính phủ Trung Quốc cũng đã có những hành động rất thiết thực, điển hình như tăng cường mở rộng trường công, cung cấp trợ cấp cho các trường tư đáp ứng một số điều kiện nhất định và khuyến khích nhiều trường chấp nhận trẻ em dưới 3 tuổi vào các lớp mẫu giáo hơn.
Nhiều nguyên nhân
Theo Nikkei, nhiều cha mẹ đi làm ở Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào ông bà để chăm sóc trẻ sơ sinh vào ban ngày. Nhưng tính bền vững của nó đang bị nghi ngờ bởi Trung Quốc đang có kế hoạch tăng độ tuổi nghỉ hưu, hiện tại là 50 tuổi đối với nữ giới làm công việc chân tay, 55 tuổi đối với nữ giới làm công việc văn phòng và 60 tuổi đối với nam giới.
Theo một báo cáo được công bố vào tháng 2 bởi Viện nghiên cứu dân số Yuwa, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ từ khi sinh ra đến 18 tuổi là 6,3 lần GDP bình quân đầu người. Trong số 13 quốc gia mà họ so sánh, chỉ có Hàn Quốc có tỷ lệ cao hơn, ở mức 7,79. Con số này là 2,08 lần ở Úc, 4,11 lần ở Mỹ và 4,26 lần ở Nhật Bản.
Đáng chú ý, sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con vào năm 2016, tỷ lệ sinh của nước này vẫn giảm trong 7 năm liên tiếp cho đến năm 2023 và dân số cũng đã giảm trong hai năm qua.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục mầm non là việc thắt chặt các hoạt động nhằm kiếm lợi nhuận trong giáo dục. Năm 2018, Trung Quốc đã cấm các nhà điều hành trường mẫu giáo tư thục niêm yết cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán và không cho phép các công ty niêm yết đầu tư vào các trường này. Tuy nhiên, trường tư thục vẫn thu hút sự quan tâm của những người có khả năng chi trả.
Theo Nikkei Asia