Thế giới

Hang động khổng lồ 3.000m có thể trở thành ‘căn cứ Mặt trăng’ trên Trái đất, mở đường cho khả năng sinh sống trong vũ trụ

Ngọc Hân 31/12/2024 21:44

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc có ý định sử dụng hệ thống hang động ngầm ở khu vực phía Tây Nam đất nước làm cơ sở thử nghiệm mô phỏng môi trường sống trên Mặt trăng và sao Hỏa.

Đầu tháng này, những người tham dự hội nghị quốc tế đầu tiên về sinh sống và khai thác không gian tại Trung Quốc đã được tham quan một hệ thống hang động ngầm rộng lớn.

Đây dự kiến sẽ là nơi được các nhà nghiên cứu Trung Quốc sử dụng làm cơ sở thử nghiệm cho việc sinh sống trên Mặt trăng và sao Hỏa.

Giáo sư Xie Gengxin, đến từ Trung tâm Khám phá Không gian thuộc Đại học Trùng Khánh, là người tổ chức chuyến tham quan đến Căn cứ Dậu Dương - nơi đang tiến hành nghiên cứu kiểm tra hệ sinh thái khép kín trong hang động quy mô lớn.

Hệ thống hang động Dậu Dương dài khoảng 3.000m, với phần rộng nhất lên tới 130m và điểm cao nhất đạt 108m.

Hang động khổng lồ 3.000m có thể trở thành ‘căn cứ Mặt trăng’ trên Trái đất, mở đường cho khả năng sinh sống trong vũ trụ - ảnh 1
Một cửa hang động ở Dậu Dương, nơi được các nhà nghiên cứu Trung Quốc lựa chọn để thử nghiệm xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Ảnh: Photohandout

Ông Xie chia sẻ: "Hang động trên Trái Đất cung cấp một mô phỏng tuyệt vời cho các ống dung nham trên Mặt trăng về cấu trúc bên trong, môi trường tự nhiên và sự cách ly với thế giới bên ngoài".

Xie và nhóm của ông lần đầu tiên đưa ra đề xuất vào năm 2019 rằng các hang động rỗng hình ống trên Mặt trăng, hình thành từ hoạt động núi lửa, có thể phù hợp làm nơi sinh sống cho con người. Họ cho rằng môi trường này có thể được mô phỏng bằng các không gian tự nhiên dưới lòng đất trên Trái đất.

Căn cứ Mặt trăng trên Trái Đất

Nhóm nghiên cứu của Xie đã khảo sát hàng trăm hang động ở Trùng Khánh, cũng như các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam và Hải Nam trước khi quyết định tập trung vào hang động ở Dậu Dương.

Hang động khổng lồ 3.000m có thể trở thành ‘căn cứ Mặt trăng’ trên Trái đất, mở đường cho khả năng sinh sống trong vũ trụ - ảnh 2
Hình ảnh mô phỏng căn cứ được xây dựng trong hang động. Ảnh: SCMP

Kế hoạch của nhóm nghiên cứu về một môi trường sống ngoài không gian trong hang động bao gồm 3 giai đoạn: đầu tiên là xác định và cải tạo một ống dung nham phù hợp, sau đó là xây dựng một trang trại trong hang để trồng cây và chăn nuôi gia súc, cuối cùng là xây dựng môi trường sống.

Ở giai đoạn cải tạo ban đầu, họ sẽ sử dụng robot để tích hợp hệ thống chiếu sáng thông minh kết hợp ánh sáng tự nhiên và ánh sáng quang điện để chiếu sáng lẫn hỗ trợ năng lượng. Khu vực nông trại sẽ được thành lập sau đó, tập trung vào trồng trọt và ấp trứng động vật.

Trong bước xây dựng môi trường sống, các nhà khoa học sẽ tập trung tối ưu hóa hệ thống năng lượng để đảm bảo sự sống sót lâu dài của con người. Hệ thống này sử dụng năng lượng mặt trời và nhiệt điện từ bề mặt Mặt trăng để tạo ra điện, cung cấp nguồn điện ổn định cho hoạt động hệ thống, sưởi ấm và điều chỉnh môi trường.

Giáo sư Xie cho hay: "Khi thám hiểm không gian sâu phát triển nhanh chóng, việc sử dụng các hang động trên Mặt trăng và sao Hỏa để xây dựng nơi sinh sống sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho việc khám phá vũ trụ của loài người và mở rộng không gian sống, hướng tới một kỷ nguyên mới của nền văn minh ngoài Trái đất".

Theo SCMP

>> Láng giềng Việt Nam ra mắt siêu tàu cao tốc nhanh nhất thế giới: Vận tốc lên tới 400 km/h, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành đường sắt

Láng giềng Việt Nam vận hành tuabin khí hydro 30MW đầu tiên trên thế giới: Đốt cháy 443 tấn hydro/giờ, cung cấp 500 triệu kWh điện/năm, chìa khóa cho tương lai không carbon

Trung Quốc xây siêu đập lớn nhất hành tinh ở hẻm núi sâu nhất thế giới: Nỗi lo “thảm họa địa chất” và căng thẳng an ninh với 1 siêu cường trong khối BRICS

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/hang-dong-khong-lo-3000m-co-the-tro-thanh-can-cu-mat-trang-tren-trai-dat-mo-duong-cho-kha-nang-sinh-song-trong-vu-tru-133684.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hang động khổng lồ 3.000m có thể trở thành ‘căn cứ Mặt trăng’ trên Trái đất, mở đường cho khả năng sinh sống trong vũ trụ
    POWERED BY ONECMS & INTECH