Hành trình 'thai nghén' tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam được Bác Hồ thành lập trong nước
Đây là tờ báo đầu tiên mà Bác Hồ được truyền bá cách mạng ngay tại quê hương cho chiến sĩ và nhân dân.
Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh  là một phần không thể tách rời trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng và tư tưởng của Người. Là nhà báo cách mạng vĩ đại nhất Việt Nam, Người đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của báo chí cách mạng , cả trong thời kỳ hoạt động ở nước ngoài và khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Với Bác, báo chí  là thứ vũ khí không thể thiếu trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù, vì vậy ngay sau khi trở về Tổ quốc và hoạt động tại Cao Bằng, Bác đã quyết định sáng lập Báo Việt Nam Độc Lập.
Tờ báo không chỉ đơn thuần là sự tiếp nối của Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên được xuất bản tại Hương Cảng (Trung Quốc), mà còn là tiếng nói cách mạng vang dội ngay trên mảnh đất quê hương, trong bối cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp và phát xít Nhật áp bức, cai trị. Sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã có cơ hội trực tiếp truyền bá tư tưởng cách mạng đến với đồng bào, đồng chí, góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển Mặt trận Việt Minh.
Một số số báo của Báo Việt Nam Độc Lập khi ấy. Ảnh: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng |
Mới đầu, việc sản xuất và cho ra đời số báo đầu tiên của tờ Việt Nam Độc Lập gặp không ít khó khăn.
Mùa xuân năm 1941, sau hơn 30 năm tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Bác Hồ cùng các đồng chí đã tới Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) - mảnh đất địa đầu Tổ quốc - để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ ngày 10-19/5/1941, Bác tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.
Hội nghị đã thống nhất nhiều quyết sách lớn: Thành lập Mặt trận Việt Minh, mở rộng căn cứ địa, đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp. Đặc biệt, Hội nghị đã quyết định ra đời Báo Việt Nam Độc Lập, lấy tên theo mục tiêu cao cả của cách mạng. Tờ báo sẽ trở thành cơ quan tuyên truyền, cổ động mạnh mẽ cho Mặt trận Việt Minh, góp phần thức tỉnh đồng bào, đoàn kết toàn dân tộc đứng lên giành độc lập.
Khi ấy, Bác Hồ nhớ lời dạy của Lênin, rằng báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo, vậy nên phải quyết tâm làm ngay. Tuy nhiên, điều kiện sản xuất vô cùng khó khăn: luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò, đến điều kiện sinh hoạt của cán bộ cách mạng cũng bữa đói bữa no.
Mà làm báo thì phải có đá in. Các đồng chí khi ấy phải vất vả lấy trộm những tấm bia đá, mài mặt mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là có một đồng chí phải hì hục viết chữ trái. Mấy số báo đầu, chữ in cứ toe toét, in được ít và xấu xí, nhưng về sau tiến bộ dần, mỗi lần in được gần 300 số, còn phải đặt "nhà in" bia đá ở ba chỗ khác nhau để đề phòng khi bị phát hiện.
Vấn đề giấy cũng là một khó khăn lớn. Lúc bấy giờ nếu ai mua nhiều giấy, địch sẽ sinh nghi và theo dõi. Các chị em phụ nữ phải đi chợ mua từng tờ một, nói dối là mua cho con cháu học, rồi góp lại để in báo. In bàn đá muốn sửa chữa thì phải dùng axit. Có đồng chí nghĩ ra cách dùng chanh thay axit. Chị em đồng bào lại giúp mua chanh để ủng hộ báo.
Việc phát hành cũng vô cùng bí mật: báo được cất giấu trong các hang đá, sau đó các đồng chí phụ trách cơ sở Việt Minh sẽ đến lấy.
Cuối cùng, sau hơn 2 tháng chuẩn bị ráo riết, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo, viết bài, duyệt bài, vẽ tranh minh họa, tranh cổ động, đồng thời tham gia in ấn Báo Việt Nam Độc Lập trên đá. Số báo đầu tiên ra mắt vào ngày 1/8/1941, đánh số 101 (hiện nay, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam còn lưu giữ bản gốc của 156 số báo). Lúc đầu, Báo là của Tỉnh hội Việt Minh Cao Bằng, sau cùng trở thành cơ quan ngôn luận của Khu tự trị Việt Bắc: Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà (Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang).
Một trang báo Việt Nam Độc Lập, số ra đầu tiên ngày 1/8/1941. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Hoạt động trong điều kiện bí mật, các đồng chí làm báo không chỉ đương đầu với những khó khăn và thiếu thốn về vật chất, mà còn phải chịu sự áp đặt gay gắt của thực dân Pháp và đội quân tay sai lùng sục khủng bố một cách điên cuồng. Vậy mà báo không nghỉ ngày nào. Đồng chí Phạm Văn Đồng cho biết: Bác sáng lập ra tờ báo này để hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng, giặc càng khủng bố, ta càng phải ra báo đều đặn.
Như trong số 115 ngày 10/1/1942, Bác Hồ viết bài “Mỗi một đồng chí Việt Minh thì phải giúp báo phát triển”. Trong đó, Bác viết: “Báo Việt Nam Độc Lập lúc nào cũng nói điều hay lẽ phải cho chúng ta theo, dạy cho chúng ta phải đánh Tây, đánh Nhật. Phải giúp báo. Báo là rất cần thiết, quý báu cho chúng ta. Vậy chúng ta phải hết sức giúp cho báo phát triển.
Muốn cho báo phát triển, mỗi đồng chí Việt Minh phải: Tìm thêm người quyên tiền cho báo. Tổ chức Hội đọc báo, giảng báo. Gửi tin tức cho báo. Báo ta phát triển tức là đoàn thể ta phát triển. Tức là sự nghiệp giải phóng chóng thành công”. Trong chuyên mục “Cán bộ và báo”, cũng với tinh thần vì tờ báo, Bác viết: “Ai mua báo phải có tiền gửi cho báo. Hết hạn không mua thêm thì thông tri cho báo biết. Chú ý! Nhà báo mua giấy rất khó và rất đắt, vậy bắt đầu từ số này, buộc phải ra mỗi tháng 2 kỳ, mùng một và rằm, đồng thời tăng giá bán lên mỗi số 1 hào”.
Thế là, các số báo của Việt Nam Độc Lập được bán hẳn hoi, có đồng bào nhân dân giúp các cán bộ làm báo.
Cũng kể từ đó, Báo Việt Nam Độc Lập đã trở thành tiếng nói của cách mạng, lan tỏa khắp mảnh đất Việt Bắc. Mỗi tháng, báo ra 3 kỳ vào các ngày mùng 1, 11, 21; mỗi kỳ phát hành trên 400 số với khổ giấy 18 x 30 cm, 2 trang. Sau này, khi các phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, báo in thêm lên 700 số mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Đồng bào địa phương rất thích đọc báo, vì báo viết điều gì nói gì cũng thấm thía với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin cho báo. Đồng bào lại tìm mọi cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để "binh vận".
Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của tờ báo từ khi khai sinh đến tháng 8/1942. Dưới sự dẫn dắt của Người, Báo Việt Nam Độc Lập đã ra được hơn 30 số, trở thành ngọn lửa cách mạng bùng cháy, truyền cảm hứng cho nhân dân cả nước. Khi Người đi công tác nước ngoài, đồng chí Phạm Văn Đồng được giao trọng trách phụ trách tờ báo. Bác cũng để lại rất nhiều bài viết để đăng dần, đảm bảo Báo tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền, cổ vũ cách mạng.
Báo Việt Nam Độc Lập tuy có khuôn khổ nhỏ bé, bài vở giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu nhưng sức ảnh hưởng lại vô cùng to lớn. Tờ báo được ví như linh hồn của các tổ chức cứu quốc, góp phần lan tỏa ảnh hưởng của cách mạng và uy tín của các đoàn thể đến mọi miền đất nước. Tờ báo chính thức ngừng xuất bản vào năm 1976, cùng với việc giải thể Khu tự trị Việt Bắc, với 35 năm đóng góp cho báo chí cách mạng Việt Nam.
Còn những tác phẩm báo chí do Bác Hồ viết hoặc cho đăng trên Báo Việt Nam Độc Lập đến tận ngày nay vẫn luôn là cẩm nang quý giá về lý luận và phương pháp làm báo cách mạng. Bác đã truyền dạy cho thế hệ mai sau những bài học quý báu về tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo và lòng yêu nước nồng nàn trong công tác báo chí.
*Tham khảo Báo Thái Nguyên điện tử/https://baothainguyen.vn, Báo điện tử Cao Bằng
>> Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam - 'nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế' 
‘Thần đồng’ 17 tuổi giỏi hơn tiến sĩ, gia cảnh gây bất ngờ 
Nữ nhà báo xuất sắc của Việt Nam, chủ cơ sở xuất bản vì nữ quyền đầu tiên ở Nam Kỳ