Nữ nhà báo xuất sắc của Việt Nam, chủ cơ sở xuất bản vì nữ quyền đầu tiên ở Nam Kỳ
Tồn tại chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, nhưng cơ sở xuất bản của bà đã tập hợp được một số tác giả tiến bộ và đã xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị.
Phan Thị Bạch Vân (1903-1980) là nữ nhà báo , nhà văn  xuất sắc ở Nam Kỳ trong những năm đầu thế kỷ XX. Bà tên thật là Phan Thị Mai, con thứ năm trong gia đình quan lại thanh bạch.
Năm 17 tuổi, bà lập gia đình nhưng hôn nhân sớm tan vỡ. Buồn phiền, bà bắt đầu viết văn, viết báo. Những bài báo đầu tay của bà được đăng trên "Đông Pháp thời báo" từ năm 1928. Là trợ bút của Đông Pháp thời báo, bà viết về rất nhiều đề tài, nhưng tập trung nhất là các bài viết bênh vực quyền lợi phụ nữ, đấu tranh cho nữ quyền.
Những bộ tiểu thuyết như Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài… được viết với bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa, thể hiện tinh thần người phụ nữ mới. Qua nhân vật, bà muốn xây dựng hình ảnh một “nữ hiệp, nữ kiệt” Việt Nam với tài trí không kém phụ nữ nước ngoài.
Từ duyên văn chương mà bà đã gặp người bạn đời sau này là ông Võ Đình Dần, chủ một thương hiệu thuốc nổi tiếng ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Cũng từ 1928, bà theo chồng về Gò Công (Mỹ Tho, Tiền Giang) sinh sống và sáng lập ra Nữ lưu thơ quán, trụ sở đặt tại số 24-26, đường Chủ Phước, Gò Công .
Tủ sách của Nữ lưu thơ quán rất phong phú, có tiểu thuyết ái tình, sách danh nhân, lịch sử, khoa học, triết học, chính trị. Đặc biệt, Nữ lưu thơ quán có rất nhiều sách dành riêng cho phụ nữ như Tân nữ học sinh, Phụ nữ tân giáo khoa, Nữ công thường dụng… và sách dạy đạo vợ chồng, sinh sản, nuôi nấng con cái.
Tất nhiên là nhà cầm quyền lúc đó không thể để yên cho việc công khai truyền bá tư tưởng “thương nước, thương dân, lo cho hậu vận nước nhà, ham mến quốc văn, bảo tồn quốc túy” của Nữ lưu thơ quán. Ngày 20/9/1928, chính quyền thực dân Pháp ban hành Nghị định cấm lưu hành quyển Gương nữ kiệt của tác giả Phan Thị Bạch Vân.
Tiếp theo, ngày 24/11/1928 quyển Giám hồ nữ hiệp do Nữ lưu thơ quán xuất bản cũng bị cấm. Năm 1929, Nữ lưu thơ quán có 3 quyển bị cấm lưu hành gồm Nữ anh tài (quyển IV) của Hoàng Thị Tuyết Hoa (tức Bạch Vân) - Nghị định ký ngày 5/9/1929); Hồn tự lập (quyển I và II) của Á - nam Trần Tuấn Khải - Nghị định ký ngày 9/9/1929 và ngày 11/10/1929. Quyển sách cuối cùng bị cấm lưu hành đồng thời với Nữ lưu thơ quán bị đóng cửa là quyển Băng Tâm Ngọc Chất - Nghị định ký ngày 13/12/1929.
Nữ lưu thơ quán tồn tại chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, nhưng đã tập hợp được một số tác giả tiến bộ và đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học, khoa học, giáo dục… có giá trị, góp phần truyền bá những tư tưởng dân chủ, tiến bộ, những kiến thức khoa học cho thanh niên, đặc biệt là cho phụ nữ.
Dù có ảnh hưởng rộng rãi tới phong trào phụ nữ đương thời, nhưng do chính sách cấm đoán của chính quyền thuộc địa, chỉ mấy năm sau mà, theo quan sát của Thiếu Sơn, “những sách của Nữ lưu thơ quán nay đã thất lạc đi nhiều. Cả sách của Bạch Vân nữ sĩ cũng không còn được mấy quyển”. Sự tàn khuyết ấy, cùng với thời gian, rõ ràng đã khiến cho tên tuổi của Phan Thị Bạch Vân bị khuất lấp và người đời sau không rõ hình dung về một gương mặt nữ quyền tiêu biểu ở khởi đầu của phong trào phụ nữ Việt Nam.
>> Nữ nhà báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam, từng được Google vinh danh