Hệ thống ngân hàng các nước thích nghi nền kinh tế toàn cầu
Tại các quốc gia, hệ thống ngân hàng đóng vai trò cốt lõi “trò chơi” trong việc duy trì sự ổn định tài chính và bảo đảm phát triển kinh tế.
Với các quy định và cơ chế quản lý khác nhau, các nước xây dựng hệ thống ngân hàng phù hợp với nhu cầu và mục tiêu riêng, bảo đảm an toàn và ổn định tài chính quốc gia, đồng thời thích nghi với kinh tế thị trường toàn cầu .
Trung Quốc thúc đẩy cải cách hệ thống ngân hàng
Tại Trung Quốc, các ngân hàng quốc doanh, ngân hàng chính sách và nhiều ngân hàng thương mại khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn vốn quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế. Hệ thống ngân hàng đã trải qua quá trình cải cách sâu rộng và vẫn đang tiếp tục cải tổ để thích nghi với nền kinh tế thị trường toàn cầu.
Trước khi cải cách, ngân hàng chủ yếu hoạt động nhằm đáp ứng các mục tiêu chính sách tài chính của Chính phủ Trung Quốc. Kể từ những năm 1980, quá trình chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng tập trung kế hoạch sang mô hình thương mại đã dẫn đến sự ra đời của 4 ngân hàng quốc doanh lớn như: Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB).
Dù chiếm tới 70% tổng tài sản ngân hàng quốc gia, những ngân hàng này vẫn chịu ảnh hưởng từ nhà nước trong việc phân bổ tín dụng, chủ yếu phục vụ cho các dự án quốc gia và DN nhà nước.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc chịu sự giám sát và quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng như Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC).
Thực hiện nhiệm vụ điều hành hệ thống ngân hàng là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Ngân hàng này chịu trách nhiệm kiểm soát chính sách tiền tệ, giám sát các hoạt động ngoại hối, và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Kể từ khi Luật Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được thông qua vào năm 1995, PBOC đã có nhiều quyền hạn hơn trong việc thực thi các chính sách tiền tệ và ngăn chặn rủi ro hệ thống. Việc PBOC chấm dứt kế hoạch tín dụng áp dụng cho các ngân hàng quốc doanh vào năm 1998 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tự do hóa hệ thống ngân hàng.
Trung Quốc đang dần mở cửa thị trường tài chính cho các ngân hàng nước ngoài, cho phép họ tham gia vào hoạt động kinh doanh trong nước bằng đồng nhân dân tệ (RMB).
Từ năm 1997, nhiều ngân hàng nước ngoài đã được phép thực hiện các hoạt động hạn chế với đồng nội tệ tại các khu vực như Thượng Hải và Bắc Kinh. Bảo hiểm tiền gửi đã được đưa vào thực hiện từ năm 2015, nhằm bảo vệ người gửi tiền khỏi mất tiền và ngăn chặn việc rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng khi có thông tin tiêu cực. Điều này giúp tăng cường niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính và giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng ngân hàng.
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, các ngân hàng tại Trung Quốc cần phải giải quyết một số vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động trên thị trường quốc tế, chẳng hạn như: tình trạng thiếu vốn trầm trọng và tỷ lệ nợ xấu cao. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu nợ xấu, bao gồm việc thành lập các công ty quản lý tài sản (AMC) để mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại và quản lý chúng một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các ngân hàng quốc doanh lớn vẫn phải đối mặt với áp lực lớn từ sự can thiệp của nhà nước trong việc ra quyết định tín dụng. Nhiều khoản vay lớn được phân bổ theo các mục tiêu chính sách, thay vì dựa trên phân tích rủi ro thương mại. Điều này làm hạn chế khả năng của các ngân hàng trong việc đưa ra các quyết định tín dụng tự chủ và làm giảm hiệu quả quản lý rủi ro.
Để hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể hoạt động hiệu quả hơn và tích hợp sâu hơn vào thị trường tài chính toàn cầu, cần có các cải cách mạnh mẽ hơn trong việc tái cấu trúc DN nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro, và giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào hệ thống ngân hàng.
Canada sở hữu hệ thống ngân hàng an toàn, hiệu quả bậc nhất thế giới
Hệ thống ngân hàng của Canada được xem là một trong những hệ thống ổn định và hiệu quả nhất trên thế giới. Được xây dựng dựa trên các quy định chặt chẽ và sự quản lý cẩn thận, hệ thống này không chỉ bảo đảm an toàn tài chính trong nước mà còn có vai trò quan trọng trong các diễn đàn tài chính quốc tế. Điều này đã giúp Canada tránh được nhiều khủng hoảng tài chính toàn cầu và bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Một trong những yếu tố nổi bật của hệ thống ngân hàng Canada là sự quản lý và giám sát nghiêm ngặt từ Văn phòng Giám đốc các tổ chức tài chính Canada (OSFI). OSFI giám sát các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm và các chương trình lương hưu tư nhân do liên bang quản lý, đồng thời bảo đảm họ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn tài chính.
Hệ thống ngân hàng tại Canada còn chịu ảnh hưởng bởi một loạt các quy định về đòn bẩy và tỷ lệ vốn, giúp ngăn ngừa rủi ro và giữ vững sự ổn định của thị trường tài chính. Ngoài ra, việc hệ thống ít phân mảnh sẽ tạo điều kiện cho nhiệm vụ theo dõi và kiểm soát hoạt động của các ngân hàng.
Hệ thống ngân hàng Canada bao gồm nhiều tổ chức tài chính lớn, với 6 ngân hàng nội địa, chiếm đến hơn 90% tổng tài sản ngành ngân hàng. Những ngân hàng lớn này không chỉ hoạt động trong nước mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng ra nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Mỹ Latinh, Caribe và châu Á. Điều này mang lại cho họ sự linh hoạt và khả năng tiếp cận nhiều thị trường khác nhau, tạo thêm sự đa dạng và giảm thiểu rủi ro khi một khu vực kinh tế gặp khó khăn.
Sự ổn định của hệ thống ngân hàng Canada còn được thể hiện qua mạng lưới rộng lớn của các chi nhánh và hệ thống ngân hàng tự động (ABM). Với hơn 6.205 chi nhánh và 18.303 máy ABM trên toàn quốc, Canada sở hữu một trong những mạng lưới dịch vụ ngân hàng tự động lớn nhất trên thế giới. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng Canada còn có mức độ thâm nhập cao về các dịch vụ ngân hàng điện tử, bao gồm thẻ ghi nợ, ngân hàng trực tuyến và qua điện thoại.
Điều này không chỉ mang lại sự tiện lợi cho khách hàng mà còn tạo ra sự an toàn trong việc quản lý tài chính cá nhân.
Ngân hàng Canada, với vai trò là ngân hàng trung ương, đóng góp quan trọng vào việc duy trì thanh khoản cho hệ thống tài chính. Ngân hàng này cung cấp thanh khoản trong các tình huống khẩn cấp để bảo đảm rằng hệ thống tài chính luôn hoạt động thông suốt. Bên cạnh đó, Ngân hàng Canada cũng giám sát cơ sở hạ tầng thị trường tài chính, bao gồm các hệ thống thanh toán và bù trừ, nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo đảm tính minh bạch của hệ thống.
Canada cũng tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận quốc tế về tài chính. Ngân hàng Canada đóng góp vào các hoạt động của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, và Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB). Thông qua việc tham gia vào các tổ chức này, Canada giúp định hình chính sách tài chính toàn cầu và bảo đảm rằng hệ thống tài chính quốc tế luôn ổn định và phát triển bền vững.
>> Châu Âu thắt lưng buộc bụng, người Mỹ trở thành 'đầu tàu' kéo kinh tế thế giới đi lên