Doanh nghiệp

Heineken Việt Nam trước quyết định đóng cửa nhà máy: Dẫn đầu toàn ngành cũng không 'hãm' nổi lợi nhuận 'lao dốc'

Hoàng Ngân 25/06/2024 10:47

Mức suy giảm về lợi nhuận của Heineken Việt Nam có thể lên tới 47% trong năm 2023.

Doanh nghiệp nào đang dẫn đầu thị trường bia Việt? Không phải Sabeco - "con gà đẻ trứng vàng" trong tay người Thái, cũng không phải Habeco với sản phẩm Bia hơi Hà Nội nức tiếng thị trường miền Bắc mà 'ông lớn' thực sự của ngành bia là Heineken. Đơn vị này đang dẫn đầu toàn ngành về thị phần và lợi nhuận.

Heineken Việt Nam trước quyết định đóng cửa nhà máy: Dẫn dầu toàn ngành cũng không 'hãm' nổi lợi nhuận 'lao dốc'

Heineken đứng đầu ngành bia Việt. Ảnh: VPBankS

Theo dữ liệu của Vietdata, doanh thu của Công ty TNHH Nhà Máy bia Heineken Việt Nam (công ty mẹ của Heineken Việt Nam) đã tăng 50% vào năm 2021. Đặc biệt, công ty này lập kỷ lục về doanh thu với 36.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD) vào năm 2022.

Về lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Heineken Việt Nam đạt gần 9.000 tỷ đồng trong năm 2020, sang 2021 giảm gần 30% và tăng hơn 60% vào năm 2022 ở mức khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận của riêng công ty mẹ Heineken Việt Nam bằng tất cả các doanh nghiệp khác cộng lại (Sabeco: 5.550 tỷ đồng, Habeco: 502 tỷ đồng, Carlsberg 90 tỷ,...)

Tuy nhiên, đến năm 2023, lợi nhuận của Heineken tại Việt Nam được cho là giảm gần một nửa dựa trên phần cổ tức mà Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) nhận được.

Theo đó, Satra ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 9.791 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022, tuy nhiên lãi gộp giảm tới 25% về còn 1.069 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm đến 47% chỉ đạt 2.734 tỷ đồng. Kết quả, lãi ròng của Satra ở mức 2.258 tỷ đồng, giảm 55% so với năm trước, đây là mức lãi thấp nhất trong vòng 10 năm qua của doanh nghiệp.

Tuy Satra không cung cấp chi tiết từng công ty liên kết, lần gần nhất doanh nghiệp này thuyết minh là cuối tháng 6/2022, với 20 đơn vị.

Phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết của Satra chủ yếu đến từ Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading), hai liên doanh chịu trách nhiệm sản xuất và phân phối các sản phẩm của Tập đoàn Heineken tại Việt Nam. Satra hiện đang nắm 40% vốn của 2 doanh nghiệp này, phần còn lại do Heineken sở hữu. Trong giai đoạn 2016-2021, hai đơn vị này đã đóng góp 2.600-3.200 tỷ đồng cổ tức cho Satra mỗi năm, chiếm trung bình hơn 75% tổng lợi nhuận từ công ty liên doanh và liên kết.

Ước tính, năm 2023, mảng kinh doanh Heineken Việt Nam mang về khoảng 2.000 tỷ đồng cổ tức, dựa trên tỷ lệ đóng góp này. Theo đó, lợi nhuận của Heineken Việt Nam có thể đạt khoảng 5.200 tỷ đồng, giảm đến 47% so với năm 2022.

Heineken Việt Nam trước quyết định đóng cửa nhà máy: Dẫn dầu toàn ngành cũng không 'hãm' nổi lợi nhuận 'lao dốc'
LNST Công ty mẹ Heineken Việt Nam. Đơn vị: tỷ đồng

Do nhiều nguyên nhân, ngành bia Việt đã phải chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có, toàn ngành ghi nhận tình trạng giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục đi xuống trong nửa đầu năm nay. Giám đốc điều hành Heineken, ông Dolf van den Brink từng thừa nhận đã trải qua sự suy giảm 5,6% lượng bán bia trong nửa đầu năm 2023, bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam - một trong những thị trường lớn nhất của Heineken. "Chúng tôi đang phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế mạnh mẽ tại thị trường quan trọng của chúng tôi, đó là Việt Nam ", ông Dolf nói.

Động thái gần đây nhất, hãng bia này đưa thông báo nhà máy Bia Heineken Quảng Nam tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân được đưa ra là công ty cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh suy giảm của thị trường. Trước dịch COVID-19, bình quân mỗi năm Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam đóng góp ngân sách tỉnh từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm gần đây liên tục sụt giảm, riêng 3 tháng đầu năm 2024, đóng góp từ Nhà máy Bia Heineken cho ngân sách địa phương đạt khoảng 20 tỷ đồng.

Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Heineken và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)bắt đầu hoạt động từ năm 1991. Hiện nay, công ty có 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên, sản xuất và phân phối các nhãn hiệu Heineken, Tiger, Larue, Bivina, Bia Việt, Strongbow và Edelweiss tại Việt Nam.

Tính đến nay, doanh nghiệp cho biết đã đầu tư hơn 1 tỷ euro (tương đương hơn 27.300 tỷ đồng) tại Việt Nam, tạo ra gần 250.000 việc làm và đóng góp tương đương 1,04% GDP.

Năm 2023, lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 3,2 tỷ euro (tương đương gần 3,5 tỷ USD), giảm gần 25%, tổng sản lượng bia cũng giảm 4,7% xuống 24,2 tỷ lít so với năm 2022.

Đáng chú ý, cùng với Nigeria, Việt Nam là một trong hai thị trường lớn chiếm 60% tổng sản lượng suy giảm, tương đương 860.000 triệu lít bia.

Đối với mảng bia cao cấp, ngoài việc ngừng kinh doanh ở Nga, sự suy giảm mặt hàng này ở Việt Nam là nguyên nhân sản lượng toàn Tập đoàn giảm tự nhiên 5,9%. Nếu không tính 2 quốc gia này, sản lượng bia cao cấp của Heineken toàn cầu vẫn tăng trưởng 1,1%.

>> Qua thời nộp ngân sách nghìn tỷ, nhà máy Heineken Quảng Nam tạm dừng hoạt động

Qua thời nộp ngân sách nghìn tỷ, nhà máy Heineken Quảng Nam tạm dừng hoạt động

Đứng đầu trong 'tứ hoàng' bia Việt, Heineken chống đỡ ra sao trước sự suy giảm của toàn ngành đồ uống có cồn?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/heineken-viet-nam-truoc-quyet-dinh-dong-cua-nha-may-dan-dau-toan-nganh-cung-khong-ham-noi-loi-nhuan-lao-doc-239885.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Heineken Việt Nam trước quyết định đóng cửa nhà máy: Dẫn đầu toàn ngành cũng không 'hãm' nổi lợi nhuận 'lao dốc'
    POWERED BY ONECMS & INTECH