Hiện trạng bến phà lịch sử bên cạnh sông Hồng, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ sau khi được trùng tu
Trong thời kỳ từ 1930-1945, bến tàu là nơi hoạt động của những nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng.
Trong thời kỳ từ 1930-1945, bến phà là nơi hoạt động của những nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng.
Di tích lịch sử bến Âu Lâu là nơi ghi dấu một thời cuộc đấu tranh chống quân xâm lược của quân và nhân dân Yên Bái cũng như của dân tộc Việt Nam. Bến Âu Lâu trước đây là con đường duy nhất đi vào khu vực phía Tây, trấn giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong những năm kháng chiến chống Pháp, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ .
Di tích bến Âu Lâu một thời. Ảnh tư liệu |
Di tích lịch sử Bến Âu Lâu nằm bên đôi bờ sông Thao (còn gọi là sông Hồng), bờ tả ngạn thuộc tổ dân phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, bờ hữu ngạn thuộc thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Trong thời kỳ từ 1930-1945, bến Âu Lâu là nơi qua lại hoạt động của những nhà yêu nước và chiến sỹ cách mạng gắn bó chặt chẽ với phong trào yêu nước vùng Yên Bái, địa điểm đưa đón bí mật các cán bộ cách mạng qua lại chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương.
Từ nơi chỉ là một bến đò nhỏ qua lại của người dân đôi bờ dần dần trở thành điểm nối lớn nhất và thuận tiện nhất với phía Tây Yên Bái nói riêng và Tây Bắc Tổ quốc nói chung.
Bến Âu Lâu hiện tại khang trang. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, sau nhiều năm, khu Di tích lịch sử Quốc gia bến Âu Lâu bộc lộ sự xuống cấp. Để tiếp tục phát huy và gìn giữ giá trị lịch sử của Di tích, UBND tỉnh Yên Bái đã triển khai dự án đầu tư tu bổ và tôn tạo bến Âu Lâu gắn với chỉnh trang đô thị  với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, còn lại là ngân sách của thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án chỉnh trang này vừa hoàn thiện. Di tích được xây dựng với diện tích 671m2, gồm nhiều hạng mục như bia di tích, phù điêu, khu bến có cổng, bốt gác, đường xuống bến, sân bến... và nhiều hạng mục khác. Ấn tượng nhất là bức phù điêu với diện tích xây dựng 41m2, kinh phí xây dựng trên 1 tỷ đồng. Hiện tại, bức phù điêu này là nơi được người dân quan tâm, check-in nhiều nhất.
Người dân thích thú check-in và chụp ảnh tại bến. Ảnh: Báo Lao Động |
Trong tương lai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Yên Bái sẽ nghiên cứu, đề xuất báo cáo lãnh đạo thành phố, lãnh đạo tỉnh Yên Bái về ý tưởng xây dựng mở rộng thêm khu di tích, khu sinh thái, tổ chức hoạt động du thuyền  trên sông để đón du khách về phía bờ bên kia.