Hòa Phát (HPG) nắm dần lợi thế trong cuộc cạnh tranh với thép Trung Quốc
Gần 1/3 doanh số quý III/2024 của Hòa Phát đến từ xuất khẩu, trong khi tại thị trường nội địa, tập đoàn kỳ vọng mở rộng thị phần nhờ tối ưu chi phí và khả năng Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá thép Trung Quốc.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG ) là một trong những tập đoàn công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và đang khẳng định vị thế trong ngành thép khu vực Đông Nam Á. Với thị phần trên 30% trong lĩnh vực thép xây dựng nội địa, Hòa Phát có năng lực sản xuất vượt trội, cung ứng hơn 8 triệu tấn thép mỗi năm từ các khu liên hợp tại Hải Dương và Dung Quất.
Sản phẩm của tập đoàn không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Đông Nam Á, Hoa Kỳ và châu Âu, đóng góp gần 1/3 tổng doanh thu trong quý III/2024.
Hoạt động xuất khẩu chiếm gần 1/3 tổng doanh thu bán hàng của Tập đoàn Hòa Phát trong quý III/2024 |
Hiện tại, Hòa Phát đang triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 tại Quảng Ngãi với vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng và công suất 5,6 triệu tấn thép thô mỗi năm, chủ yếu sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC). Dự án này sẽ nâng tổng công suất của Hòa Phát lên 14 triệu tấn/năm, đưa tập đoàn trở thành một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á.
Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), Dung Quất 2 dự kiến sẽ đạt mức tiêu thụ tốt, lấp đầy 90% công suất vào năm 2026 nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh, mạng lưới phân phối rộng lớn và lợi thế từ các biện pháp chống bán phá giá thép.
Về chi phí, Hòa Phát có khả năng cạnh tranh tốt với thép Trung Quốc nhờ chi phí vận chuyển quặng sắt và than cốc từ các quốc gia như Australia và Indonesia về Việt Nam ngang bằng với Trung Quốc.
Thêm vào đó, chi phí thuê đất và nhân công thấp, cùng với các chính sách môi trường chưa quá khắt khe, giúp chi phí sản xuất của Hòa Phát thấp hơn khoảng 30 USD/tấn (tương đương 6-8% giá thép hiện tại) so với Trung Quốc. Điều này sẽ giúp Dung Quất 2 tiếp tục tiết giảm chi phí, gia tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.
So sánh với chi phí sản xuất của Trung Quốc và Việt Nam (Nguồn: BSC) |
Trong giai đoạn từ năm 2023 đến hết quý III/2024, Hòa Phát duy trì sản lượng thép ổn định, đạt 350.000 tấn thép thanh và 230.000 tấn HRC mỗi tháng từ các nhà máy hiện hữu. Lợi thế về chi phí sản xuất và quy mô cho phép tập đoàn linh hoạt trong cân đối giữa thị trường nội địa và xuất khẩu, hướng đến các thị trường tiềm năng như ASEAN và EU.
Dung Quất 2, với quy mô tăng thêm 60%, sẽ tiếp tục giúp Hòa Phát tối ưu hóa chi phí và gia tăng lợi thế cạnh tranh, đảm bảo tiêu thụ tốt sản phẩm và mở rộng thị trường quốc tế.
>> 'Bộ ba lợi thế' sẽ giúp Dung Quất 2 của Hòa Phát (HPG) không sợ 'ế' hàng trong năm 2025