Doanh nghiệp

Hơn 200 người giúp ông Trịnh Văn Quyết phạm tội nhưng không phải hầu tòa

T Nhung 05/07/2024 11:42

Hơn 200 người này là anh rể, người thân, người quen, họ hàng trong gia đình ông Trịnh Văn Quyết. Họ đã giúp cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC thực hiện hành vi phạm tội.

Theo quyết định của TAND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC và 49 bị cáo khác sẽ ra hầu tòa vào ngày 22/7 tới vì những hành vi phạm tội đã gây ra.

Liên quan đến vụ án, có hơn 200 người giúp ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội nhưng không phải hầu tòa. Họ là anh rể, người thân, người quen, họ hàng trong gia đình ông Quyết, những người đứng tên đại diện pháp luật, nhân viên thuộc hệ sinh thái Tập đoàn FLC và các công ty liên quan.

Theo tài liệu điều tra, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (Công ty BOS) tiền thân là Công ty CP Chứng khoán FLC, thành lập từ năm 2008, vốn điều lệ đăng ký là 135 tỷ đồng và ông Trịnh Văn Quyết là một trong 5 cổ đông sáng lập. Năm 2014 đổi tên thành Công ty Chứng khoán Artex, năm 2019 đổi tên thành Công ty CP Chứng khoán BOS.

Thành viên HĐQT Công ty BOS gồm: ông Lê Bá Nguyên (anh vợ Trịnh Văn Quyết) cùng các thành viên khác như Chu Tiến Vượng, Nguyễn Quỳnh Nga và Tống Hải Ninh.

trinh van quyet 6 1 24.jpeg
Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà

Theo kết luận điều tra bổ sung, 3 cá nhân Lê Bá Nguyên, Nguyễn Quỳnh Nga và Tống Hải Ninh đều không góp vốn mà chỉ được em gái ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga (kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC; Thành viên HĐQT, kiêm Phó TGĐ Công ty cổ phần Chứng khoán BOS) đứng tên thành viên HĐQT Công ty BOS.

Dù không họp HĐQT nhưng ông Nguyên vẫn tham gia ký biên bản họp HĐQT số 01/2020/BBH-HĐQT-BOS ngày 20/1/2020 và biên bản số 10/2020/BBH-HĐQT- BOS ngày 28/4/2020 làm căn cứ để bà Hương Trần Kiều Dung (Chủ tịch HĐQT Công ty BOS) ký ban hành Nghị quyết số 01 và số 10 về việc giao bà Trịnh Thị Thúy Nga trực tiếp chỉ đạo việc cấp hạn mức sức mua khống cho các tài khoản chứng khoán của em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế.

Tuy nhiên, thời điểm ký các biên bản họp, 3 cá nhân trên đều không được nhận báo cáo số 01/2020/BC-TGĐ và báo cáo số 02/2020/BC-TGĐ của bà Nguyễn Quỳnh Anh (TGĐ Công ty BOS) và các thành viên HĐQT Công ty BOS báo cáo, trao đổi nên không hiểu rõ bản chất và mục đích lập, ban hành các biên bản, nghị quyết của HĐQT nêu trên.

Tài liệu điều tra đến nay chưa chứng minh được ý thức chủ quan của các ông/bà Lê Bá Nguyên, Tống Hải Ninh và Nguyễn Quỳnh Nga biết và đồng thuận cho bị can Trịnh Thị Thúy Nga cấp hạn mức khống cho các tài khoản do Huế thực hiện thao túng thị trường chứng khoán.

Tại CQĐT, các ông/bà Nguyên, Nga, Ninh thừa nhận những nội dung trên và không được bàn bạc, không biết việc bà Quỳnh Anh và những bị can khác thực hiện việc cấp hạn mức khống cho các tài khoản thiếu tiền để bà Huế thực hiện hành vi thao túng chứng khoán. Lời khai của 3 cá nhân phù hợp với lời khai của các bị can và tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án.

CQĐT cho rằng, hành vi của các cá nhân Lê Bá Nguyên, Tống Hải Ninh và Nguyễn Quỳnh Nga không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, bởi lẽ: Dù các ông/bà Nguyên, Nga, Ninh có hành vi ký biên bản họp HĐQT nhưng bà 2 cá nhân Nga, Ninh không trực tiếp làm việc, điều hành hoạt động tại công ty BOS nên không biết việc cấp hạn mức khống cho các tài khoản của bà Huế để thực hiện thao túng thị trường chứng khoán.

Khi ký biên bản, 3 cá nhân này không được nhận các báo cáo của Quỳnh Anh, không được HĐQT, Ban Tổng giám đốc và nhân viên Công ty BOS trao đổi, báo cáo nên không hiểu rõ bản chất và mục đích lập, ban hành các biên bản, nghị quyết của HĐQT nêu trên.

Theo VKSND Tối cao, các cá nhân Lê Bá Nguyên, Nguyễn Quỳnh Nga, Tống Hải Ninh, thành viên HĐQT của Công ty BOS đã cho phép Trịnh Thị Thúy Nga cho khách hàng mua chứng khoán không có tài sản đảm bảo trái quy định, giúp ông Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế thao túng thị trường chứng khoán, thu lời bất chính, có dấu hiệu tội Thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 221 BLHS.

Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ hành vi không xử lý hình sự, nhưng cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính nghiêm khắc.

Người thân, họ hàng của ông Trịnh Văn Quyết giúp sức thao túng thị trường chứng khoán

Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhóm 23 đối tượng là nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái FLC, là người thân, họ hàng trong gia đình ông Quyết có hành vi giúp sức cho Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Các cá nhân này đã cho bà Huế mượn chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân để bà Huế làm hồ sơ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng, sau đó giao bà Huế quản lý, sử dụng để thao túng thị trường chứng khoán, giúp ông Trịnh Văn Quyết thu lời bất chính, có dấu hiệu đồng phạm giúp sức của tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ hành vi đã tham gia và không được hưởng lợi nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự.

Nhóm 188 đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là các cá nhân đứng tên đại diện pháp luật, nhân viên thuộc hệ sinh thái Tập đoàn FLC và các công ty liên quan, người thân, quen của Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga có hành vi ký các thủ tục để bà Huế tạo dòng tiền, hợp thức nâng khống vốn góp tại Công ty Faros, hoàn thiện thủ tục để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, có dấu hiệu đồng phạm giúp sức của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ hành vi của các đối tượng không được hưởng lợi nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự.

>> Ông Trịnh Văn Quyết đưa ra yêu cầu đặc biệt với luật sư trong phiên tòa sắp tới

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã nộp khắc phục hậu quả bao nhiêu tiền?

Ông Trịnh Văn Quyết đưa ra yêu cầu đặc biệt với luật sư trong phiên tòa sắp tới

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hon-200-nguoi-giup-ong-trinh-van-quyet-pham-toi-nhung-khong-phai-hau-toa-2298650.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hơn 200 người giúp ông Trịnh Văn Quyết phạm tội nhưng không phải hầu tòa
    POWERED BY ONECMS & INTECH