Hơn 30 tỷ USD có nguy cơ ‘bốc hơi', tham vọng trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới của quốc gia châu Á lung lay dữ dội
Mỹ đã giáng một đòn mạnh vào thương mại Ấn Độ khi chính quyền ông Trump áp thuế 26% lên hàng hóa nhập khẩu từ nước này, vượt mức thuế dành cho EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích chính sách thương mại bảo hộ của Ấn Độ trong những năm qua, gọi quốc gia này bằng nhiều cái tên như “vua thuế quan”, "kẻ lạm dụng thuế quan lớn”...
Giờ đây, quốc gia Nam Á này đã trở thành mục tiêu chính trong chiến lược áp thuế đáp trả mới của chính quyền ông Trump, được công bố ngày 2/4. Tổng thống Mỹ đã áp mức thuế 26% đối với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ - cao hơn mức 20% với Liên minh châu Âu, 24% với Nhật Bản và 25% với Hàn Quốc .
Ấn Độ vốn có mức thuế nhập khẩu cao hàng đầu thế giới - vượt xa các mức thuế mà Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, hiện đang áp dụng. Năm 2024, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 87 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ.
Động thái mới là một đòn giáng mạnh vào Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ngay khi 2 nước đang đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương với mục tiêu hoàn tất vào mùa thu năm nay.

Thuế quan mới ảnh hưởng ra sao đến Ấn Độ?
Các quan chức Ấn Độ đang cố giảm nhẹ tác động ban đầu của thuế quan mới, nhưng họ không thể phủ nhận thiệt hại đối với nền kinh tế nước này khi Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất.
Theo nhà kinh tế trưởng Madhavi Arora tại Emkay Global Financial Services, xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ có thể thiệt hại tới 33 tỷ USD dưới mức thuế mới, tương đương 0,9% GDP - chưa tính đến bất kỳ biện pháp đối phó nào.
Thuế quan mới cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm kinh tế ở Ấn Độ, vốn đang chịu áp lực từ niềm tin tiêu dùng yếu và đầu tư kinh doanh chững lại. Chính phủ Ấn Độ dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,5% trong năm tài khóa 2025 - mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Sonal Varma, chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings, nhận định GDP có thể giảm xuống 6% vào năm 2026 do ảnh hưởng của thuế quan.
"Các mức thuế đáp trả này còn tệ hơn dự đoán, cả ở quy mô toàn cầu lẫn với Ấn Độ", Varma nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả ngành đều chịu tác động như nhau. Một số lĩnh vực được miễn trừ, bao gồm dược phẩm - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Mỹ - cũng như chất bán dẫn, đồng, năng lượng và khoáng sản.
Bên cạnh đó, mức thuế mà Mỹ áp lên Ấn Độ vẫn thấp hơn so với một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Theo Varma, điều này có thể mang lại lợi thế tương đối cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ trong cuộc đua thu hút chuỗi cung ứng.
Mức thuế này cũng gây áp lực buộc New Delhi phải đẩy nhanh đàm phán thương mại với Washington. Nhà phân tích Varma dự đoán chính quyền Modi có thể sẽ tiếp tục giảm rào cản thương mại đối với hàng hóa Mỹ, tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Mỹ và mở rộng quyền tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp Mỹ trong thời gian tới.

Một số người thậm chí còn hoan nghênh tác động tự do hóa mà chính sách thuế của ông Trump mang lại cho Ấn Độ. Viral Acharya, cựu phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, cho rằng việc cắt giảm hàng rào thương mại sẽ thúc đẩy cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp Ấn Độ nâng cao tiêu chuẩn, tạo thêm việc làm và mở rộng cơ sở sản xuất.
Vì sao ông Trump nhắm vào Ấn Độ?
Tổng thống Mỹ muốn đảo ngược thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước khác, cho rằng đó là dấu hiệu của việc Mỹ bị "bóc lột". Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ, với thặng dư thương mại gần 46 tỷ USD trong năm 2024 - tăng 5% so với năm trước.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức thuế trung bình đơn giản của Ấn Độ - tức thuế suất trung bình áp dụng với các thành viên WTO không có hiệp định thương mại ưu đãi - đạt 17% vào năm 2023, cao hơn nhiều so với mức 3,3% của Mỹ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, mức thuế này thậm chí lên tới 39% - gấp gần 8 lần so với Mỹ.
Báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ công bố ngày 31/3 cũng nhấn mạnh mức thuế cao của Ấn Độ, đặc biệt đối với sản phẩm nông nghiệp. Dữ liệu năm 2023 cho thấy Ấn Độ áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng như dầu thực vật, táo, ngô, cà phê, nho khô và quả óc chó.

Ấn Độ làm gì để tránh thuế cao hơn?
Nhằm tránh một cuộc chiến thương mại, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống thuế quan, cắt giảm thuế đối với khoảng 8.500 mặt hàng công nghiệp vào tháng 2 - trước chuyến thăm Washington của ông Modi.
Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ vẫn đang cân nhắc tiếp tục giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, bao gồm ô tô, sản phẩm nông nghiệp, hóa chất và dược phẩm quan trọng.
Thậm chí, chỉ một tuần trước khi ông Trump công bố thuế quan đáp trả, Ấn Độ vẫn đang tìm cách thuyết phục Mỹ không áp dụng các mức thuế này, dù ông Trump khẳng định Ấn Độ sẽ không được miễn trừ.
Khi Tổng thống Mỹ thúc đẩy một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn, ông và Modi đã cam kết đạt được thỏa thuận vào mùa thu năm nay, với mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ này, từ mức 129 tỷ USD năm 2024.
Ngoài thương mại, Chính phủ Ấn Độ cũng đang có những động thái nhằm giải quyết các vấn đề khác mà ông Trump quan ngại, bao gồm thỏa thuận tiếp nhận lại hàng nghìn công dân Ấn Độ cư trú bất hợp pháp tại Mỹ.
Theo Times of India
>> Thuế đối ứng của Mỹ vừa chính thức có hiệu lực, một quốc gia châu Á lập tức hạ lãi suất