Xã hội

Huy động 1.200m3 gỗ quý xây dựng ngôi chùa hoành tráng nhất nhì miền Trung, nổi bật với bức tượng bồ đề nguyên khối xác lập kỷ lục Việt Nam

Minh Tài 14/02/2025 23:01

Bên cạnh các hạng mục bằng gỗ, ngôi chùa còn gây ấn tượng với bức tượng đá Phật Di Lặc khổng lồ, được tạc từ một khối đá nguyên khối nặng hơn 120 tấn.

Ngôi chùa gỗ lớn nhất xứ Nghệ

Xứ Nghệ không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nơi núi non trùng điệp hòa cùng những bãi biển hoang sơ trải dài, mà còn là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc. Nổi bật trong số đó là chùa Lam Sơn – ngôi chùa gỗ lớn nhất xứ Nghệ.

Tọa lạc tại xóm Thượng Yên, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, chùa Lam Sơn được xem là ngôi chùa gỗ lớn nhất xứ Nghệ. Toàn bộ công trình được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim và gỗ sến, với tổng khối lượng lên đến khoảng 1.200m³, tạo nên vẻ uy nghi, bề thế nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên.

Không có mô tả ảnh.
Chùa Lam Sơn yên bình trong nắng sớm (Ảnh: Facebook Hồ Đình Chiến)

Theo Vietnamplus, các cụ cao niên ở xóm Thượng Yên, xã Quỳnh Yên cho biết chùa Lam Sơn được xây dựng từ năm 1712, dưới thời Lê Trung Hưng. Khi xưa, chùa tọa lạc giữa làng Thượng Yên trên một khu đất rộng, cao ráo, trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương và Phật tử thập phương.

Không có mô tả ảnh.

Chùa Lam Sơn trở thành biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương (Ảnh: Hồ Đình Chiến)

Trong thời kỳ kháng chiến, chùa Lam Sơn không chỉ là nơi thờ tự mà còn đóng vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng. Đây từng là địa điểm tổ chức các cuộc mít-tinh, diễn thuyết, kêu gọi nhân dân ủng hộ và tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi chùa dần bị phá bỏ, nhiều đồ tế khí và tượng Phật cũng thất lạc theo thời gian.

Kiến trúc đặc sắc

Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân và Phật tử, ngày 8/11/2012, Ủy ban Nhân dân Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4446/QĐ-UBND-NC, chấp thuận phục hồi cơ sở Phật giáo chùa Lam Sơn (xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Tiếp đó, ngày 19/11/2013, Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó tổng diện tích khuôn viên chùa là 5.482,37m², diện tích xây dựng chùa chiếm 1.961,38m².

vnp_chua_lam_son_09-14.jpg

Chùa được xây dựng trên khoảng đất rộng, cao ráo (Ảnh: Vietnamplus)

Cuối năm 2013, công tác khôi phục, trùng tu và xây dựng chùa Lam Sơn chính thức được triển khai. Theo thiết kế, ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của chùa chiền cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đậm nét cổ kính và tôn nghiêm.

Giống như nhiều ngôi chùa truyền thống Việt Nam, chùa Lam Sơn được xây dựng với hệ thống kiến trúc quy mô, bao gồm đại hùng bảo điện, nhà thờ Tổ, tả hữu hành lang, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan và các công trình phụ trợ khác.

Toàn bộ các hạng mục đều được làm từ gỗ lim và gỗ sến. Đặc biệt, khu nhà thờ Tổ được chế tác hoàn toàn bằng gỗ kiền kiền quý hiếm, với hệ thống cột gỗ cao tới 7,58m, thể hiện sự bề thế và tinh xảo trong từng đường nét kiến trúc.

vnp_chua_lam_son_09-17.jpg

Toàn bộ các hạng mục đều được làm từ gỗ lim và gỗ sến (Ảnh: Vietnamplus)

Điểm nhấn đặc biệt của chùa Lam Sơn phải kể đến pho tượng Phật Bồ Đề Đạt Ma, được chế tác hoàn toàn từ gỗ nu nghiến nguyên khối. Với vẻ đẹp độc đáo và kích thước ấn tượng, pho tượng này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bức tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ nu nghiến nguyên khối lớn nhất Việt Nam vào tháng 12/2016.

Trụ trì chùa Lam Sơn - Đại đức Thích Quảng Văn cho biết, bức tượng Bồ Đề Đạt Ma này là do ông Hoàng Văn Long (xã Quỳnh Yên) tặng chùa vào cuối tháng 11 năm 2015. Tượng được chế tác từ gỗ nu nghiến nguyên khối mang từ Lào về và thuê nghệ nhân ở huyện Đông Anh (Hà Nội) chế tác trong vòng 6 tháng.

Bức tượng Bồ Đề Đạt Ma ở chùa Lam Sơn (Ảnh: Báo Nghệ An)

Bên cạnh các hạng mục bằng gỗ, chùa Lam Sơn còn gây ấn tượng với bức tượng đá Phật Di Lặc khổng lồ, được tạc từ một khối đá nguyên khối nặng hơn 120 tấn. Sau khi chế tác, bức tượng hoàn thiện có trọng lượng hơn 60 tấn, cao 3,2m, thể hiện sự uy nghi và tôn kính, trở thành một trong những điểm thu hút đặc biệt của ngôi chùa.

vnp_chua_lam_son_09-5.jpg

Bức tượng đá Phật Di Lặc khổng lồ (Ảnh: Vietnamplus)

Ngoài hai pho tượng tiêu biểu là Phật Di Lặc và Phật Bồ Đề Đạt Ma, chùa Lam Sơn còn nổi bật với bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tọa lạc bên cạnh hồ nước trong xanh ngay trước cổng chùa. Sự hài hòa giữa các pho tượng, kiến trúc gỗ tinh xảo và không gian thiên nhiên thanh tịnh đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho chùa Lam Sơn.

Không có mô tả ảnh.

Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tọa lạc bên cạnh hồ nước (Ảnh: Hồ Đình Chiến)

Ngày nay, chùa không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân mà còn trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá xứ Nghệ của du khách thập phương. Với giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo, chùa Lam Sơn góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch, kinh tế địa phương, đồng thời tô điểm thêm một dấu ấn rực rỡ trong vườn hoa đầy hương sắc của Phật giáo Việt Nam.

>> Ngôi chùa cổ rộng 10ha mang tên độc lạ, được mệnh danh 'đệ nhất vắng khách', gồm gần 40 gian nhà lớn nhỏ

‘Lâu đài’ gỗ quý hơn 1.000m2 tại Hòa Bình: Bên trong ngập hương thơm, gia chủ không ngại tiết lộ nơi chứa ‘báu vật tâm linh’

Ngôi chùa cổ sở hữu tượng Phật nằm gần 500 tấn lớn nhất Việt Nam, có cặp đá nặng hơn 4kg không bao giờ chìm trong nước

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/huy-dong-1200m3-go-quy-xay-dung-ngoi-chua-hoanh-trang-nhat-nhi-mien-trung-noi-bat-voi-buc-tuong-bo-de-nguyen-khoi-xac-lap-ky-luc-viet-nam-136762.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Huy động 1.200m3 gỗ quý xây dựng ngôi chùa hoành tráng nhất nhì miền Trung, nổi bật với bức tượng bồ đề nguyên khối xác lập kỷ lục Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH