Huyện sắp lên quận ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô ‘mở cửa’ đón hàng loạt khu đô thị mới
Trong năm 2024, huyện này đã lên kế hoạch thu hút đầu tư cho nhiều dự án ở đa lĩnh vực.
UBND TP. Hà Nội đã công bố danh mục dự án thu hút đầu tư  của thành phố đợt 1 năm 2024. Trong danh mục này có 36 dự án gồm các lĩnh vực hạ tầng, giao thông, khu đô thị, trung tâm mua sắm, chợ đầu mối, khách sạn, công viên vui chơi giải trí...
Cụ thể, huyện Đông Anh có 6 dự án khu đô thị, gồm: dự án Khu đô thị mới G3 (gần 80ha, 8.127 tỷ đồng) tại các xã Kim Chung, Đại Mạch; Khu đô thị mới G13 (hơn 44ha, 3.113 tỷ đồng) tại xã Mai Lâm, Đông Hội; Khu đô thị mới G8 (46,6ha; 3.153 tỷ đồng) tại xã kim Nỗ, Kim Chung; Khu đô thị mới G17 (20,6ha, 5.892 tỷ đồng) tại xã Nam Hồng.
Đầu tháng 7/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã phát thông báo kêu gọi đầu tư xây dựng khu đô thị mới G8  với tổng mức đầu tư gần 13.259 tỷ đồng.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 12.599 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 659 tỷ đồng. Dự báo quy mô dân số khoảng 4.811 người.
Dự án được thực hiện tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Tổng diện tích đất nghiên cứu sử dụng đất là 465.622m2 (khoảng 46,6ha), trong đó: Phần đất không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khoảng 18.810m2; còn phần đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khoảng 446.812m2. Quy mô dân số khoảng 4.811 người.
Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm tính từ thời điểm có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Mới đây, dự án khu đô thị G19 cũng đã được kêu gọi đầu tư. Dự án nằm trên địa phận xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, có diện tích hơn 26 ha, dân số khoảng 4.440 người. Sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án gần 2.183 tỷ đồng, chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư gần 244 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2029.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch phân khu đô thị N4, tỷ lệ 1/5.000 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào tháng 10/2012.
Bên cạnh đó, phải kể đến dự án khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, huyện Đông Anh (thuộc quy hoạch phân khu sông Hồng).
Khu đô thị này nằm tiếp giáp với dự án Vinhomes Cổ Loa  do Tập đoàn Vingroup và CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) làm chủ đầu tư.
Được biết, dự án khu đô thị - sinh thái có tổng chi phí thực hiện là hơn 33.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,3 tỷ USD), chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 2.000 tỷ đồng. Quy mô dân số khoảng 38.500 người. Dự án dự kiến sẽ xây dựng gần 13.000 sản phẩm, bao gồm: biệt thự, căn hộ chung cư thương mại, căn hộ chung cư nhà ở xã hội …
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất; thời hạn giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai). Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023-2031.
Đông Anh là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch của Thủ đô.
Nơi đây cũng là một trong 2 huyện của TP. Hà Nội đang được đề xuất lên quận trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của địa phương.
>> Sẽ có thêm sân golf tại resort casino lớn nhất Việt Nam 
Hà Nội: phê duyệt phương án, vị trí 2 tuyến đường tại Đông Anh 
Loạt dự án hạ tầng là 'bệ phóng' để huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận