IMF: Tăng trưởng toàn cầu chịu tác động từ đà giảm tốc của kinh tế Mỹ
Trong báo cáo mới nhất, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu năm 2024 không thay đổi so với dự báo tháng 4 ở mức 3,2% và nâng dự báo năm 2025 thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3,3%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế  (IMF) cho biết, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khiêm tốn 2 năm tới trong bối cảnh hoạt động kinh tế ở Mỹ chững lại và tăng trưởng chạm đáy ở châu Âu.
Theo báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới được IMF công bố ngày 16/7, động lực trong cuộc chiến kiểm soát lạm phát đang chậm lại, điều này có thể trì hoãn thêm việc nới lỏng lãi suất của các nền kinh tế đang phát triển và tiếp tục gây áp lực mạnh lên đồng USD.
IMF cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu năm 2024 không thay đổi so với dự báo tháng 4 ở mức 3,2% và nâng dự báo năm 2025 thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3,3%.
Tuy nhiên, IMF đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, với dự báo tăng trưởng năm 2024 của Mỹ giảm 0,1% xuống 2,6%.Dự báo tăng trưởng Mỹ năm 2025 không thay đổi ở mức 1,9%, sự chậm lại do thị trường lao động hạ nhiệt và giảm chi tiêu để đáp ứng với chính sách tiền tệ thắt chặt.
Nhà kinh trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: “Tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến lớn đang trở nên phù hợp hơn khi khoảng cách sản lượng đang thu hẹp”.
IMF đã nâng mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5% - phù hợp với mục tiêu của chính phủ Trung Quốc trong năm nay - từ mức 4,6% trong tháng 4 do tiêu dùng phục hồi trong quý 1 và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. IMF cũng tăng dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2025 lên 4,5% từ mức 4,1% trong báo cáo đưa ra hồi tháng 4.
Một thông tin tích cực hơn là IMF đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2024 thêm 0,1 điểm phần trăm lên 0,9%, trong khi dự báo năm 2025 của khu vực không thay đổi ở mức 1,5%.
Theo báo cáo của IMF, khu vực Eurozone đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng dịch vụ mạnh mẽ hơn trong nửa đầu năm nay, trong khi tiền lương thực tế tăng sẽ giúp tiêu thụ điện trong năm 2025 và việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ đầu tư.
Trong khi đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của Nhật Bản xuống 0,7% từ mức 0,9% trong tháng 4, một phần do sự gián đoạn nguồn cung do việc đóng cửa các nhà máy ô tô lớn và đầu tư tư nhân suy yếu trong quý 1.
Rủi ro lạm phát kéo dài
IMF cảnh báo về rủi ro lạm phát trong ngắn hạn do giá dịch vụ vẫn tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị mới có thể tiếp tục gây khó khăn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
IMF cho biết trong báo cáo: “Nguy cơ lạm phát dai dẳng củng cố triển vọng các ngân hàng trung ương trên thế giới phải duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn. Điều này cũng gia tăng rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của các nước”.
Nhà kinh tế trưởng Gourinchas lưu ý, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm trong tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chờ thêm một thời gian nữa mới quyết định cắt giảm lãi suất nhằm tránh việc lạm phát bất ngờ nóng trở lại.
Bên cạnh đó, IMF cũng cảnh báo về những thay đổi tiềm ẩn trong chính sách kinh tế do nhiều cuộc bầu cử trong năm nay có thể gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
IMF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách kiên trì khôi phục sự ổn định về giá bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ dần dần, theo đuổi các chính sách thúc đẩy thương mại và tăng năng suất lao động.
‘Gánh nặng’ nợ nần: Ukraine trở thành con nợ lớn thứ hai của IMF 
'Bom nổ chậm' trong nền kinh tế Mỹ: IMF gióng hồi chuông cảnh báo