Instagram: 'Kẻ dưới cơ' bất đắc dĩ trong đế chế Facebook
Mark Zuckerberg bị cáo buộc cố tình kìm hãm sự phát triển của Instagram để bảo vệ vị thế độc quyền của Facebook.
Trong phiên tòa chống độc quyền giữa Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Meta đang diễn ra tại Washington D.C., Kevin Systrom, đồng sáng lập Instagram, đã đưa ra những lời khai gây chấn động về cách Meta đối xử với nền tảng chia sẻ ảnh này sau thương vụ mua lại vào năm 2012.
Theo Systrom, dù Instagram nhanh chóng đạt được cột mốc 1 tỉ người dùng vào năm 2018, tương đương khoảng 40% quy mô người dùng của Facebook, đội ngũ phát triển của Instagram chỉ có vỏn vẹn khoảng 1.000 nhân sự. Trong khi đó, Facebook cùng thời điểm đã có tới 35.000 nhân viên. Systrom cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng cho việc Mark Zuckerberg cố tình hạn chế tài nguyên, kìm hãm đà phát triển của Instagram nhằm bảo vệ vị thế thống trị của Facebook trên thị trường mạng xã hội.
![]() |
Dù Instagram nhanh chóng đạt được cột mốc 1 tỉ người dùng vào năm 2018, đội ngũ phát triển của Instagram chỉ có vỏn vẹn khoảng 1.000 nhân sự. Ảnh: Internet |
Không chỉ dừng lại ở việc thiếu hụt nhân lực, Systrom còn cáo buộc Zuckerberg chủ động cắt giảm những tính năng liên kết quan trọng giữa hai nền tảng, chẳng hạn như khả năng chia sẻ bài viết chéo và đồng bộ thông báo. Điều này khiến Instagram bị bóp nghẹt cơ hội tiếp cận và giữ chân người dùng. Thậm chí, khi Facebook dốc lực đầu tư hàng trăm nhân viên vào phát triển mảng video, Instagram lại hoàn toàn bị gạt ra ngoài, không nhận được bất kỳ nguồn lực hỗ trợ nào trong lĩnh vực đang bùng nổ này.
Căng thẳng càng gia tăng khi Systrom chỉ ra rằng ngay cả ở những lĩnh vực quan trọng như đảm bảo quyền riêng tư của người dùng hay phản ứng với sự cạnh tranh từ các đối thủ như Snapchat, Instagram cũng không được Meta ưu tiên tiếp sức. Theo ông, nền tảng này thực chất đã có một hạ tầng kỹ thuật vững chắc và hệ thống kiểm soát nội dung hiệu quả trước khi sáp nhập vào Meta, do đó hoàn toàn có khả năng tự phát triển mạnh mẽ nếu không bị hạn chế một cách có chủ đích.
Đáp lại những cáo buộc này, Meta cho biết họ đã đầu tư rất lớn vào Instagram, đặc biệt ở các mảng như hạ tầng kỹ thuật, quảng cáo và công cụ tăng trưởng người dùng. Tuy nhiên, phản biện của Systrom làm dấy lên nghi vấn rằng sự đầu tư này thực chất chỉ mang tính đối phó, trong khi chiến lược chung vẫn là kìm hãm để Instagram không thể vượt mặt Facebook.
Phiên tòa lần này không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng cá nhân của Zuckerberg mà còn có thể làm thay đổi cục diện của ngành công nghệ. FTC cáo buộc Meta đã mua Instagram và WhatsApp nhằm loại bỏ các đối thủ tiềm năng và duy trì thế độc quyền trong lĩnh vực mạng xã hội. Nếu FTC giành chiến thắng, Meta có thể sẽ phải chia tách các nền tảng này thành các công ty độc lập, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của mạng xã hội toàn cầu.
>> Mark Zuckerberg gặp hạn: Meta đối mặt cú sốc 7 tỷ USD vì thương chiến Mỹ - Trung
Mark Zuckerberg gặp hạn: Meta đối mặt cú sốc 7 tỷ USD vì thương chiến Mỹ - Trung
Trường học ‘miễn phí’ do Mark Zuckerberg sáng lập chuẩn bị đóng cửa sau gần 1 thập kỷ