Khoảng 400 triệu người sẽ quy tụ tại lễ hội tắm tập thể lớn nhất hành tinh được UNESCO công nhận là Di sản: Huy động 68.000 cột đèn LED, dựng khoảng 150.000 nhà vệ sinh để phục vụ lễ hội
Đây không chỉ là một lễ hội tôn giáo mà còn là một trải nghiệm văn hóa độc đáo, thu hút mọi tầng lớp xã hội.
Lễ hội Kumbh Mela, được biết đến như "cuộc tụ họp lớn nhất hành tinh", chính thức bắt đầu từ ngày 13/1 tại Ấn Độ  với sự tham gia của khoảng 400 triệu tín đồ Hindu. Ban tổ chức ước tính lượng du khách hành hương thậm chí nhiều hơn dân số của Mỹ và Canada cộng lại.
Lễ hội Kumbh Mela năm nay dự kiến kéo dài trong 6 tuần và được tổ chức tại Prayagraj thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, nơi hợp lưu của sông Hằng, sông Yamuna và dòng sông huyền thoại Sarasvati. Những ngày quan trọng của lễ hội bao gồm: 13/1 – ngày bắt đầu lễ hội trùng với ngày trăng tròn, ngày 29/1 (Mauni Amavasya) khi vị trí của các vì sao được cho là lý tưởng để thanh lọc nước và ngày 26/2 (Maha Shivaratri) là ngày tắm thánh cuối cùng.
Phát ngôn viên của ban tổ chức Kumbh Mela - ông Vivek Chaturvedi cho biết: "Khoảng 350-400 triệu tín đồ sẽ đến tham dự lễ hội. Vì vậy, công tác chuẩn bị là một khối lượng công việc khổng lồ".
Được biết, khoảng 150.000 nhà vệ sinh đã được xây dựng phục vụ lễ hội. Bên cạnh đó còn có một mạng lưới bếp ăn cộng đồng có thể phục vụ tới 50.000 người cùng một lúc. Ngoài ra, 68.000 cột đèn LED cũng đã được dựng lên nhằm đảm bảo ánh sáng luôn rực rỡ.
Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quy mô lớn. Năm 2019, quốc gia này đã tổ chức lễ hội "Ardh Kumbh Mela” – một phiên bản nhỏ hơn của lễ hội Kumbh Mela, thu hút 240 triệu tín đồ theo thống kê từ chính phủ.
Vào năm 2017, lễ hội Kumbh Mela được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Kumbh Mela không chỉ là một lễ hội tôn giáo mà còn là một trải nghiệm văn hóa độc đáo, thu hút mọi tầng lớp xã hội. Việc hàng trăm triệu người cùng quy tụ tại đây là minh chứng sống động cho lịch sử tôn giáo phong phú, các hoạt động tâm linh  đa dạng và lòng sùng đạo sâu sắc của người dân Ấn Độ.
Cung đón xá lợi của Đức Phật từ Ấn Độ về Việt Nam trong Đại lễ Vesak 2025 
400 triệu người sắp đổ về lễ hội hoành tráng nhất hành tinh