Khu chợ là biểu tượng văn hóa hơn 200 năm của Ninh Bình sắp bị phá dỡ hoàn toàn
Chợ Rồng - biểu tượng văn hóa và lịch sử, gắn bó mật thiết với đời sống của người dân địa phương hiện đang được phá dỡ để nhường chỗ cho Dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân với tổng mức đầu tư lên đến 600 tỷ đồng.
Chợ Rồng, tọa lạc tại phường Vân Giang, TP. Ninh Bình (nay là TP. Hoa Lư), từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử, gắn bó mật thiết với đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, khu chợ này đang đứng trước nguy cơ bị phá dỡ hoàn toàn để nhường chỗ cho Dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân với tổng mức đầu tư lên đến 600 tỷ đồng.
Là biểu tượng văn hóa hơn 200 năm
Chợ Rồng được hình thành từ năm 1814 dưới triều vua Gia Long, gắn liền với sự phát triển của thành Ninh Bình. Thời kỳ Pháp thuộc, Ninh Bình được phát triển thành một đô thị sầm uất với nhiều công trình như Dinh quan công, cầu Trà Là, phố Nhà Thờ,…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương "vườn không nhà trống", nhiều công trình, trong đó có Chợ Rồng, đã bị phá bỏ. Tuy nhiên, sau khi hòa bình lập lại, chợ đã được tái thiết với diện mạo khang trang hơn, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và văn hóa của người dân tại địa phương.

Chợ Rồng nằm ở vị trí đắc địa, gần ngã ba sông Vân đổ vào sông Đáy, giáp các trục đường Dương Vân Nga, Vân Giang và Lê Đại Hành, thuộc phường Vân Giang, TP. Ninh Bình cũ (nay là TP. Hoa Lư).
Chợ chỉ cách nút giao thông giữa Quốc lộ 1 và Quốc lộ 10 khoảng 800m, cách bến xe Ninh Bình 500m và ga Ninh Bình khoảng 1km, thuận lợi cho việc giao thương và mua sắm. Với diện tích lên đến 16.000m2, Chợ Rồng được chia thành ba khu vực chính:
Khu A: Bao gồm chợ chính, khu thực phẩm, khu ẩm thực, nhà để xe và hạ tầng kỹ thuật.
Khu B: Khu bán rau quả và buôn bán tự do ngoài trời.
Dọc tuyến đường Dương Vân Nga: Khu vực kinh doanh tự do.

Chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn phản ánh rõ nét đời sống văn hóa, xã hội của người dân Ninh Bình.
Chợ Rồng không chỉ là trung tâm mua sắm sầm uất mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô. Chợ là nơi diễn ra các hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa, đồng thời cũng là điểm đến quen thuộc của du khách khi muốn tìm hiểu về đời sống và văn hóa của người dân địa phương.
Dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân
Dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3308/QĐ-BNN-KH ngày 23/7/2021, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành dự án được kỳ vọng sẽ tiêu nước cho khoảng 975ha khu vực Đông - Nam TP.Hoa Lư, Khu công nghiệp Khánh Phú và khu vực dân cư lân cận; cấp nước tưới thay thế nguồn nước từ Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình cho khoảng 1.970ha đất canh tác thuộc tiểu khu Cánh Diều; tăng cường khả năng cấp nước bổ sung từ sông Đáy cho sông Vạc (qua sông Vân) kết hợp cải thiện môi trường nước sông Vân.

Ngoài ra, dự án còn là công trình giao thông kết hợp du lịch, tạo điểm nhấn cho khu trung tâm thành phố Ninh Bình, góp phần phát triển du lịch khu vực nội đô.
Việc triển khai Dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân đòi hỏi công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực Chợ Rồng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có phương án di chuyển cụ thể cho các khu chợ nằm trong phạm vi thực hiện dự án, gây lo ngại về việc bảo tồn giá trị văn hóa và lịch sử của chợ.
Mới đây, ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, chợ Rồng ở TP. Hoa Lư sẽ được tháo dỡ để lấy mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh, tạo cảnh quan hai bờ sông Vân, nâng tầm vóc đô thị di sản, tương lai sẽ là nơi giao thương của người dân đô thị mới và du khách thập phương khi đến Ninh Bình.
Theo đó, Chợ Rồng trước mắt sẽ được tháo dỡ một phần để thực hiện dự án xây dựng cầu Chà Là và đường dẫn lên cầu.
Trong thời gian tới, sau khi di chuyển hết các tiểu thương buôn bán trong chợ sẽ tiến hành phá dỡ toàn bộ khu chợ để thực hiện dự án kè sông Vân và cảnh quan hai bên bờ sông. Còn lại một phần quỹ đất đủ để quy hoạch và xây dựng trung tâm thương mại kết hợp dịch vụ, văn phòng.
Đề xuất giao VEC làm chủ đầu tư dự án mở rộng cao tốc Yên Bái - Lào Cai dài hơn 120km
Bộ Công an sẽ hướng dẫn người dân cập nhật địa chỉ cư trú sau khi sáp nhập tỉnh, xã