Khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ vỡ nợ “phủ bóng đen” lên tương lai tài chính Mỹ

03-05-2023 15:40|Thủy Tiên

Sự sụp đổ của First Republic Bank và khủng hoảng nợ đang thử thách tình hình tài chính của Mỹ cũng như niềm tin vào đồng USD trong thời gian tới.

Khủng hoảng ngân hàng kéo theo chuỗi phản ứng dây chuyền

Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã và đang diễn ra có thể để lại ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới trong năm 2023. Bắt đầu từ việc Silicon Valley Bank chính thức phá sản vào ngày 10/3/2023, sau đó 2 ngày là sự sụp đổ của Signature Bank, cuộc khủng hoảng này đã lan rộng ra khắp các lĩnh vực tài chính trên thế giới.

“Nạn nhân” mới nhất của hiệu ứng này là First Republic Bank, sụp đổ chóng vánh vào ngày 1/5 vừa qua, bị mua lại bởi JPMorgan Chase. First Republic Bank trở thành ngân hàng có lượng tài sản lớn thứ hai bị sụp đổ trong lịch sử nước Mỹ, chỉ đứng sau Washington Mutual. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/4, giá trị của FRB chỉ còn 654 triệu USD, sụt giảm mạnh so với mức 20 tỷ USD vào đầu năm và 40 tỷ USD trong giai đoạn đỉnh vào tháng 11/2021.

Khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ vỡ nợ “phủ bóng đen” lên tương lai tài chính Mỹ
Chi nhánh First Republic Bank tại Millbrae, California.

Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính, cho rằng giảm thiểu những rắc rối trong hệ thống ngân hàng là điều cần thiết bởi chúng có khả năng lan rộng dễ dàng. Ông Summers đã so sánh những rắc rối này như cháy rừng và nhấn mạnh rằng “ngăn chặn sẽ dễ dàng hơn so với cố gắng dập tắt sau khi chúng đã lan rộng.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh quyết định bán First Republic Bank trong một sự kiện tại Nhà Trắng vào ngày 1/5. Ông nhấn mạnh rằng những biện pháp này giúp đảm bảo hệ thống ngân hàng an toàn và lành mạnh, bảo vệ tiền gửi của khách hàng mà không cần phải tiêu tốn tiền thuế của người dân.

Tuy nhiên, CNN cho rằng, việc hệ thống ngân hàng có đang thực sự "an toàn và lành mạnh" hay không cần được xem xét kỹ hơn khi ba ngân hàng đồng loạt sụp đổ trong vòng 7 tuần. Điều này cho thấy cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về cách thức giám sát các ngân hàng. Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng đã mất đi ít nhiều uy tín trong mắt các nhà kinh tế hàng đầu. Giáo sư Joseph Stiglitz của Đại học Columbia, người từng đoạt giải Nobel cho biết, chỉ có các cải cách về bảo hiểm tiền gửi, quản trị, cơ cấu quản lý và giám sát mới có thể phục hồi niềm tin vào hệ thống ngân hàng và sự uy tín của Fed cho các nhà đầu tư và người gửi tiền.

Nguy cơ vỡ nợ vào tháng 6

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, đã cảnh báo rằng nước Mỹ có thể sẽ hết tiền để thanh toán các khoản nợ trước ngày 1/6 nếu các nghị sĩ không thực hiện các biện pháp liên quan đến trần nợ công. Trước đó, chính phủ Mỹ được dự báo sẽ mất khả năng thanh toán vào ngày 5/6 khi Mỹ chạm giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ USD vào ngày 19/1, nhưng bà Yellen cho biết tình trạng này có thể diễn ra sớm hơn do một số yếu tố biến động trong ngân sách liên bang.

Hiện tại, chưa ai biết nước Mỹ sẽ ra sao khi vỡ nợ. Tuy nhiên, sự việc này có thể gây ra khủng hoảng niềm tin vào chính phủ Mỹ, dẫn đến nhiều người mất việc làm, các khoản thanh toán gia đình bị đình trệ. Doanh nghiệp sẽ đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và chính phủ có thể sẽ không còn đủ khả năng chi trả các khoản thanh toán cho gia đình của quân nhân và người già sống dựa vào an sinh xã hội. Hơn nữa, giá trị của đồng USD - nền tảng của nền kinh tế thế giới - có thể bị đe dọa, đẩy đất nước lâm vào cảnh suy thoái.

Tuy nhiên, Nhà Trắng cho rằng không nên đàm phán về việc thanh toán các hóa đơn cho khoản nợ đã được bán để trang trải chi tiêu được Quốc hội phê chuẩn. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Trong hơn 200 năm qua, nước Mỹ chưa bao giờ không trả được nợ. Nói một cách dễ hiểu, Mỹ không phải là một quốc gia bế tắc.”

Giáo sư Justin Wolfers tại Đại học Michigan cho biết ông không lo lắng về các ngân hàng phá sản, vì các tổ chức này chỉ là những tổ chức tương đối nhỏ theo tiêu chuẩn của Mỹ. Ngược lại, ông rất lo lắng về tình trạng Mỹ vỡ nợ, “Tôi lo lắng hơn bao giờ hết trong sự nghiệp của mình, vào thời điểm này, về việc Mỹ thực sự vỡ nợ”. Ông cũng lưu ý rằng trong những lần trước khi đối mặt với bế tắc về trần nợ, đảng Cộng hòa cuối cùng đã thỏa hiệp khi đối mặt với áp lực từ phe ôn hòa của đảng. Hiện chưa rõ liệu điều này có xảy ra trong tình hình hiện tại hay không.

Có một loại tài sản hấp dẫn, chỉ một thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng đến chứng khoán, ngân hàng

"Không phải chờ đến khi các TCTD khó khăn về thanh khoản mới vào cuộc xử lý"

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khung-hoang-ngan-hang-va-nguy-co-vo-no-phu-bong-den-len-tuong-lai-tai-chinh-my-181339.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ vỡ nợ “phủ bóng đen” lên tương lai tài chính Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH