Kiến nghị bỏ yêu cầu tài sản bảo đảm và bảo lãnh thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp
Ngày 9/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật, trong đó có Luật Chứng khoán với trọng tâm là các yêu cầu về phát hành trái phiếu.
Nguồn: Bộ Tư pháp |
Với Luật Chứng khoán, điểm nóng trong phiên họp là các đề xuất sửa đổi nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu. Dự thảo Luật đề xuất bổ sung hai điều kiện mới cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng: "Có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng" và "ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp đáp ứng điều kiện tính vào vốn cấp 2".
Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), yêu cầu bắt buộc có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh ngân hàng sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản về việc lựa chọn các tổ chức phát hành chất lượng. Điều này có thể tạo rào cản lớn, làm giảm nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp, kể cả đối với các doanh nghiệp đầu ngành có thể huy động vốn tín chấp mà không cần bảo đảm.
VBMA đề xuất lược bỏ quy định bắt buộc phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán, đồng thời bổ sung quy định về tổ chức nhận và quản lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu, cho phép các tổ chức tài chính quốc tế tham gia bảo lãnh thanh toán.
Ngoài ra, đại diện VBMA cũng phản đối việc kéo dài thời gian hạn chế chuyển nhượng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên 3 năm, khoảng thời gian này quá dài và có thể làm giảm tính hấp dẫn của các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ. VBMA đề nghị giữ nguyên quy định về thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm đối với cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền.
Ông Phạm Văn Hùng, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng nhấn mạnh việc sửa đổi quy định liên quan đến phát hành trái phiếu cần được thực hiện cẩn trọng để đảm bảo tính ổn định và không làm gián đoạn nguồn vốn của doanh nghiệp.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát và tổng kết các Luật do Bộ chủ trì soạn thảo. Kết quả là đã xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung bao gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
>> 240.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 8 tháng đầu năm 2024 
Trái phiếu doanh nghiệp: Giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng áp lực đáo hạn vẫn lớn 
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt hơn 3.700 tỷ đồng/phiên