Với lạm phát đã giảm khá sâu so với mức đỉnh cao nhất trong nhiều thập kỷ của năm ngoái, triển vọng Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024 ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Câu hỏi quan trọng nhất mà các nền kinh tế và thị trường tài chính phải đối mặt trong năm tới không phải là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed ) sẽ hạ lãi suất hay không. Giới phân tích nhận định điều đó gần như là chắc chắn. Có một vấn đề quan trọng hơn: lý do gì khiến Fed phải làm như vậy?
Với lạm phát  đã giảm khá sâu so với mức đỉnh cao nhất trong nhiều thập kỷ của năm ngoái, triển vọng Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024 ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Sau khi giữ nguyên lãi suất cơ bản trong 3 cuộc họp liên tiếp, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông được dự báo sẽ sử dụng biểu đồ “dot-plot” để dự báo về lãi suất trong năm 2024.
Nếu như Fed quyết định giảm lãi suất ở mức độ tương xứng với mức độ hạ nhiệt của lạm phát, đó sẽ là tin tốt cho nền kinh tế và các nhà đầu tư. Điều đó cũng có nghĩa là nền kinh tế Mỹ  “hạ cánh mềm” thành công, tức lạm phát quay trở về mức trước dịch mà không khiến kinh tế rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, nếu như Fed hạ lãi suất bởi vì nền kinh tế đang suy yếu quá nhanh hoặc đứng trước một cuộc suy thoái thì đó lại là một câu chuyện khác. Đó là dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng cao, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ sụt giảm vì lực cầu yếu đi.
“Sẽ rất tốt nếu Fed hạ lãi suất vì lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế chỉ yếu đi chút ít, chứ không phải hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế đang rơi vào suy thoái”, Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng tại KPMG nhận định.
Sẽ rất tồi tệ nếu Fed buộc phải hạ lãi suất để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế. |
Lý do khiến Fed phải hạ lãi suất cũng sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với câu chuyện cần giảm lãi suất bao nhiêu là đủ. Nếu nền kinh tế có nguy cơ hoặc thực sự đã ở trong một cuộc suy thoái, Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng và quyết liệt. Trong trường hợp ngược lại, lãi suất sẽ giảm từ từ và nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ra Tổng thống Joe Biden cũng sẽ có những tác động nhất định. Tỷ lệ ủng hộ ông Biden về cách quản lý nền kinh tế đã giảm khá mạnh vì lạm phát tăng cao. Chiến dịch tái tranh cử của đương kim Tổng thống sẽ vấp phải nhiều khó khăn nếu như kinh tế Mỹ suy thoái.
Sau khi báo cáo việc làm được công bố vào cuối tuần trước cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn khá vững vàng và khỏe mạnh hơn so với dự báo, các nhà đầu tư đã giảm kỳ vọng về chuyện Fed sẽ sớm hạ lãi suất. Xác suất lãi suất giảm trong tháng 3 đã giảm xuống dưới 50%, và dự báo cả năm 2024 lãi suất cơ bản cũng chỉ giảm tổng cộng hơn 1 điểm phần trăm. Thời điểm đầu tháng 12, các trader nhận định 60% khả năng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 3 và giảm tổng cộng khoảng 1,25 điểm phần trăm trong cả năm sau.
Trong khi đó các chuyên gia kinh tế vẫn đang có cái nhìn thận trọng hơn. 49 chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo Fed chỉ hạ lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2024. “Biểu đồ dot lot sẽ không phát đi tín hiệu Fed sớm hạ lãi suất ngay trong 6 tháng đầu năm”, Brett Ryan, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Deutsche Bank nhận định.
Trong lần phát biểu gần đây nhất hôm 1/12, ông Powell nói rằng vẫn còn “quá sớm” để dự báo khi nào Fed nới lỏng chính sách tiền tệ. Thậm chí ông không loại trừ khả năng lãi suất tăng cao hơn nữa nếu điều đó là cần thiết để hạ nhiệt lạm phát.
Trung bình trong 5 chu kỳ thắt chặt tín dụng gần nhất của Fed, giữa lần tăng lãi suất cuối cùng và lần hạ lãi suất đầu tiên cách nhau 8 tháng. Lần này, Fed tăng lãi suất lần cuối cùng vào tháng 7, đồng nghĩa nếu lịch sử lặp lại thì Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 3.
Từ nay đến tháng 3 sẽ có 3 báo cáo việc làm được công bố. Theo Joseph Lavorgna, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán SMBC Nikko, nếu thị trường lao động suy yếu rõ rệt và tỷ lệ lạm phát tiếp tục giảm mạnh, Fed sẽ sớm hành động.
Hơn nữa Fed có lý do để hành động trong nửa đầu năm để tránh những tranh cãi chính trị khi mà cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 năm sau.
Tuy bất đồng về thời điểm và mức độ hạ lãi suất, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đồng tình rằng “còn quá nhiều điều bất định và những cơn gió ngược có thể khiến lạm phát đảo chiều nhanh chóng”. Do đó Fed chưa thể sớm “nhấc chân ra khỏi chân phanh”.