Đây chính là bê bối gian lận kế toán khủng nhất lịch sử nước Mỹ khiến thế giới chấn động.
Công ty viễn thông đường dài hàng đầu nước Mỹ WorldCom là cái tên mà giới tài chính  có lẽ không thể nào quên. Thời điểm đó, ít ai có thể ngờ, bê bối gian lận gây chấn động này lại bắt nguồn từ một giáo viên.
Từ một giáo viên thành “đại gia” ngành viễn thông
Năm 1947, Bernie Ebbers - khi ấy còn là giáo viên - đã mua lại một nhà nghỉ ở Columbia và chuyển đến đó sống. Ông bắt đầu kinh doanh nhà trọ và phát hiện có thể cung cấp dịch vụ điện thoại đường dài giá rẻ, bằng cách mua sỉ dịch vụ của AT&T rồi bán lẻ lại.
Vài năm sau, Ebbers và 3 đối tác lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc thành lập Công ty Dịch vụ điện thoại đường dài giá rẻ (LDDS). Người đàn ông này có triết lý kinh doanh là “quy mô càng lớn càng tốt”. Để hiện thực hóa, Ebbers sử dụng cổ phiếu  thay tiền mặt để thâu tóm những công ty khác. Ở mỗi thương vụ như vậy, họ lại thu hút thêm được khách hàng và tăng doanh thu.
Bernie Ebbers từng là CEO của WorldCom - một trong những công ty viễn thông lớn nhất nước Mỹ |
Chỉ vài năm, LDDS đã thành công niêm yết và mở rộng thêm các lĩnh vực như data, thương mại điện tử,...Công ty đã đổi tên thành WorldCom vào năm 1995. Ebbers giữ chức vị CEO. Đây chính là khởi đầu cho một trong những công ty viễn thông lớn nhất nước Mỹ. Được biết, trong vòng 15 năm, WorldCom đã thực hiện hơn 60 thương vụ thôn tính khác nhau.
Ở thời kỳ đỉnh cao, vốn hóa của WorldCom có lúc đã lên tới khoảng 180 tỷ USD và giá cổ phiếu đạt mốc 60 USD/cp. Hồi năm 2000, tập đoàn đã có khoảng 88.000 nhân sự và 60.000 mile đường dây điện thoại trên khắp thế giới. Ebbers lúc đó cũng là tỷ phú với khối tài sản 1,4 tỷ USD.
Lật tẩy sự gian dối
Chẳng ai ngờ, cơn bão đã âm thầm kéo đến. Tham vọng ngày một tăng cao, Ebbers đã đi vay để thúc đẩy những thỏa thuận mua lại. Ông bắt đầu vay từ WorldCom vào cuối những năm 1990, sử dụng số tiền đó để mua thêm cổ phiếu của công ty, sau đó cầm cố để thực hiện những thương vụ đầu tư cá nhân.
WorldCom đã nợ đến 41 tỷ USD từ các vụ thôn tính rầm rộ |
Nhưng đến năm 1998, ngành công nghiệp viễn thông bắt đầu hạ nhiệt, cổ phiếu WorldCom cũng dần mất giá. CEO Ebbers khi ấy đã buộc phải trang trải các khoản tài chính dành cho những mảng kinh doanh khác.
Trong năm 2001, Ebbers đã thuyết phục ban Giám đốc WorldCom cung cấp các khoản vay và bảo đảm có tổng trị giá hơn 400 triệu USD. Tháng 4/2002, Ebbers đã bị buộc rời khỏi chức vị CEO.
Cùng lúc đó, WorldCom cũng nợ đến 41 tỷ USD từ các vụ thôn tính rầm rộ. Các chủ nợ hàng đầu bao gồm những đại gia ngân hàng như JPMorgan Trust (17,2 tỷ USD), Mellon Bank (6,6 tỷ USD), CitiBank (3,3 tỷ USD).
Phát hiện kinh hoàng
Sau khi điều tra sâu, chẳng ai ngờ bê bối còn rúng động hơn thế. Bắt đầu từ năm 1999 kéo dài tới tháng 5/2002, WorldCom đã dùng những phương pháp kế toán “mờ ám” để che giấu tình trạng tài chính suy yếu, giả tạo tăng trưởng tài chính và lợi nhuận nhằm “thổi giá” cổ phiếu.
Thực tế, công ty đã “che giấu” khoản lỗ lên tới 3,8 tỷ USD kể từ năm 2001, đồng thời, lợi nhuận đã bị “bơm thổi”. Thay vì lỗ 1,2 tỷ USD, WorldCom lại lãi 1,6 tỷ USD vào năm 2001 và 172 triệu USD vào quý I/2002. Năm 2001, công ty cũng công bố hoạt động kinh doanh tạo ra 7,7 tỷ USD tiền mặt, nhưng hóa ra chỉ là 4,6 tỷ USD. Công ty này thừa nhận đã gian lận sổ sách hơn 4 tỷ USD, nhưng sau đó được xác nhận là con số khổng lồ - 11 tỷ USD.
Thay vì lỗ 1,2 tỷ USD, WorldCom đã "làm giả sổ sách" để lãi 1,6 tỷ USD vào năm 2001 và 172 triệu USD vào quý I/2002 |
Giám đốc Tài chính Scott D. Sullivan đã bị sa thải. Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) buộc tội WorldCom gian lận và Bộ Tư pháp bắt đầu một cuộc điều tra hình sự các hành vi của công ty.
Vụ phá sản làm chấn động giới tài chính
Tháng 7/2002, WorldCom đã nộp hồ sơ phá sản. Giá trị cổ phiếu WorldCom từ đỉnh 63,5 USD/cp vào ngày 18/6/1999 đã lao dốc xuống 6,74USD/cp và tiếp tục giảm chỉ còn 20 cent - ở thời điểm công ty này nộp đơn xin phá sản, với giá trị tài sản được liệt kê lên tới hơn 107 tỷ USD.
Khi đó, đà lao dốc kinh hoàng của cổ phiếu WorldCom đã gây ra cơn sốc với thị trường chứng khoán toàn thế giới. Theo đó, các cổ đông của hãng viễn thông là những nạn nhân lớn nhất. Từ sở hữu cổ phần của một công ty lớn mạnh nhất ngành, họ mất trắng chỉ trong tích tắc.
Quyền kiểm soát WorldCom về tay các ngân hàng và trái chủ. Công ty này sụp đổ đã khiến các thị trường tài chính hoảng loạn, gây chấn động nền kinh tế rộng lớn hơn. Ngoài ra, liên quan đến vụ án, nhiều cựu lãnh đạo khác của WorldCom như CFO Sullivan, kiểm soát viên David Myers, Giám đốc Kế toán Buford Yates…cũng bị buộc tội hình sự.
Ngoài tổn thất cho chính WorldCom, vụ bê bối còn làm xói mòn niềm tin vào thực lực tài chính của các công ty lớn và khiến kinh tế Mỹ thiệt hại nhiều tỷ USD.
>> Nghịch lý: Công ty sắp phá sản, cạn vốn nhưng giá cổ phiếu lại nhân đôi 
Samsung 'họa vô đơn chí': 28.000 nhân viên sắp đình công, cổ phiếu lao dốc 
Cổ phiếu Nvidia lại thiết lập kỷ lục mới nhờ... Elon Musk