Láng giềng Việt Nam chuẩn bị xây dựng ‘siêu cao tốc’ thông tin từ Trái đất lên Mặt trăng, tham vọng tạo đột phá về du hành vũ trụ
Mạng lưới này sẽ gồm 30 vệ tinh và 3 trạm mặt đất trên Mặt Trăng, có thể cung cấp dịch vụ giám sát theo thời gian thực giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
SCMP đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc  vừa công bố lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng giữa Trái Đất và Mặt Trăng  nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược quốc gia và giúp việc du hành vũ trụ trở nên dễ dàng và an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) và Viện Kỹ thuật Hệ thống Tàu vũ trụ Bắc Kinh, sau khi hoàn thành, mạng lưới gồm 30 vệ tinh và 3 trạm mặt đất sẽ cung cấp dịch vụ liên lạc, điều hướng và giám sát theo thời gian thực cho người dùng toàn cầu.
Mục tiêu là cho phép hơn 20 du hành gia có thể đồng thời liên lạc với Trái Đất thông qua hình ảnh, âm thanh hoặc video. Nó cũng sẽ cung cấp khả năng định vị, điều hướng và tính giờ (PNT) tương đối chính xác trong các chuyến bay Trái Đất-Mặt Trăng và hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng.
Ngoài ra, mạng lưới sẽ giám sát và theo dõi các mục tiêu di chuyển nhỏ tới 1m trong khu vực giữa Trái Đất và Mặt Trăng, được gọi là “không gian cislunar”.
Nhóm nghiên cứu do Yang Mengfei, kỹ sư thiết kế chính của sứ mệnh Chang'e-5 (Trung Quốc) dẫn đầu.
Tham vọng của Trung Quốc
Trong bài báo được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc vào tháng 6, họ viết: “Không gian Cislunar đã trở thành một ranh giới mới cho các hoạt động của con người. Hoạt động không gian trong khu vực này dự kiến sẽ mở rộng nhanh chóng trong thập kỷ tới, thúc đẩy một vòng cạnh tranh toàn cầu mới.
Theo các nhà nghiên cứu, cuộc cạnh tranh giành các nguồn tài nguyên như vị trí quỹ đạo và tần số vô tuyến đã diễn ra và sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong tương lai.
Do đó, họ cho rằng Trung Quốc cần thiết lập một lộ trình cấp cao nhất để phát triển cơ sở hạ tầng không gian cislunar và đạt được lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế vũ trụ mới nổi.
Được biết “không gian cislunar” đề cập đến vùng không gian nằm giữa – và chịu ảnh hưởng của – Trái Đất và Mặt Trăng. Không gian bao gồm quỹ đạo của các vệ tinh quanh Trái Đất, không gian do quỹ đạo của Mặt Trăng chiếm giữ và không gian ở giữa.
Khái niệm này đang trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là đối với lĩnh vực quân sự.
Các nhà nghiên cứu nhận định, khi Trung Quốc trở thành một thế lực lớn trong lĩnh vực thám hiểm Mặt Trăng và không gian sâu, việc lập kế hoạch chiến lược là rất quan trọng để “tránh việc xây dựng trùng lặp và tối ưu hóa phân bổ tài nguyên” cho các sứ mệnh trong tương lai.
Điều này bao gồm các cuộc đổ bộ của phi hành đoàn lên Mặt Trăng, xây dựng trạm nghiên cứu quốc tế và các nhiệm vụ khám phá hệ mặt trời bên ngoài.
Nhóm nghiên cứu bình luận: “Mặc dù các kế hoạch đã xuất hiện ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nhưng chưa có kế hoạch nào được thực hiện. Trung Quốc có cơ hội độc nhất để đảm bảo thị phần đáng kể trong ngành công nghiệp không gian cislunar mới nổi”.
Ba giai đoạn của dự án
Theo Yang và các đồng nghiệp của ông, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cislunar của Trung Quốc sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên tập trung hỗ trợ các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng của robot và phi hành đoàn của đất nước. Bằng cách đặt một cặp vệ tinh trên quỹ đạo hình elip của Mặt Trăng và trạm điều khiển trên bề mặt này, nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc với vùng cực Nam của Mặt Trăng cho ít nhất 10 người dùng cùng một lúc.
Sau đó, giai đoạn thứ 2 sẽ mở rộng hệ thống để có tới 10 vệ tinh quay quanh Mặt Trăng, Trái Đất và các vị trí cụ thể được gọi là điểm Lagrange Trái Đất-Mặt Trăng. Trong khi đó, trạm mặt đất thứ 2 giúp cải thiện tốc độ truyền dữ liệu lên 5 gigabyte mỗi giây và độ chính xác điều hướng lên 100m cho vùng cực Nam Mặt Trăng.
Bài báo tiết lộ, trong giai đoạn này, những đột phá công nghệ dự kiến có thể xác định các “mục tiêu không hợp tác” (non-cooperative target) ở khoảng cách xa, bao gồm cả các vật thể chuyển động có đường kính 10m trong không gian gần Mặt Trăng.
Giai đoạn thứ 3 và cuối cùng sẽ tích hợp một mạng lưới toàn diện gồm 30 vệ tinh, 3 trạm mặt đất trên Mặt Trăng, cũng như các cơ sở liên lạc và điều hướng hiện có trên Trái Đất.
Mục tiêu là đạt được tốc độ truyền dữ liệu 10 gigabyte mỗi giây và nâng cao độ chính xác điều hướng lên 10m cho các hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng và 50m cho các hành trình giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Mạng lưới được đề xuất cũng dự định triển khai hệ thống Giao thoa vô tuyến chân đế rất dài (VLBI) để theo dõi tàu vũ trụ ở khoảng cách lên tới 900 triệu km, hỗ trợ các sứ mệnh thám hiểm không gian sâu tới Sao Mộc và xa hơn nữa.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Việc phát triển cơ sở hạ tầng cislunar phải tuân theo các nguyên tắc phát triển theo từng giai đoạn và mở rộng linh hoạt. Dự án cũng nên xem xét nhu cầu về khả năng tương thích và hợp tác quốc tế để hỗ trợ tham vọng của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc không gian và nuôi dưỡng các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ mới trong nước”.
Theo SCMP