Láng giềng Việt Nam đào rỗng 2 ngọn núi, huy động hơn 60.000 người xây dựng công trình tối mật trong lòng đất suốt 17 năm, số tiền bỏ ra tương đương để xây đập Tam Hiệp
Đây là công trình hạt nhân duy nhất của Trung Quốc được mở cửa cho công chúng cho đến nay.
Công trình 816 được biết đến là cơ sở công nghiệp nguyên liệu hạt nhân thứ hai của Trung Quốc , nằm ở thị trấn Bạch Đào, quận Bồi Lăng, thuộc thành phố Trùng Khánh. Dự án được xây dựng theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, nhằm tăng cường phòng thủ quốc gia, cơ sở hạ tầng và các ngành kỹ thuật.
Do quyết định xây dựng được Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai ký vào ngày 18/6/1966, do đó, công trình này mang biệt hiệu là 816. Năm 1967, dự án bắt đầu khởi công, tức là ba năm sau khi Trung Quốc thử thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên. Bắc Kinh khi đó muốn tăng tốc chương trình hạt nhân để bắt kịp các đối thủ.
Chen Huaiwen, một cựu binh từng làm việc tại đây cho biết: "Cảnh sát vũ trang canh gác bên ngoài trong khi chúng tôi làm việc. Đó là việc tối mật, không cho phép người ngoài lọt vào. Khi ấy, mọi người chỉ biết là khu vực này có một số dự án nào đó, họ không biết những gì được xây dựng bên trong".
Khu vực tuyệt mật này bao phủ diện tích khoảng 100.000m2, tương đương 14 sân bóng đá hay 600 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Tổng đầu tư của dự án lên đến 746 triệu nhân dân tệ (hơn 100 triệu USD), tương đương với số tiền để xây đập Tam Hiệp ngày nay và được mệnh danh là “Trường Thành trong lòng đất”.
Trong suốt 17 năm, dự án 816 đã huy động hơn 60.000 người tham gia xây dựng. 76 người chết là con số chính thức do Trung Quốc đưa ra, song các hướng dẫn viên du lịch và cựu binh sĩ làm việc tại đây cho rằng con số này quá thấp.
Để xây dựng công trình này, hai ngọn núi lớn đã bị đào rỗng với hơn 1,5 triệu m3 đất đá được đào lên và nó được dùng để đắp thành 2 ngọn núi khác ở ngay phía đối diện. Số đất đá này nhiều đến nỗi nếu dùng đất này để đắp đường thì có thể xây một con đường dài khoảng 1.500km. Công trình bao gồm một mạng lưới các đường hầm, các con đường và hang động nhân tạo. Đây hiện là hang động nhân tạo lớn nhất thế giới.
Được biết, theo thông số kỹ thuật thiết kế, thân hang có thể chịu được tác động của quả bom hydro nặng 1 triệu tấn nổ trong không khí, đồng thời có thể chịu được sức công phá trực tiếp của quả bom nặng 500kg, được cho là có thể chịu được động đất mạnh 8 độ richter.
Hang cao nhất có 12 tầng với chiều cao lên đến 79,6m, hang động này được thiết kế với mục đích để chứa một lò phản ứng hạt nhân và làm nơi sản xuất plutonium 239 – nguyên liệu quan trọng dùng để chế tạo ra bom nguyên tử và bom H.
Theo đó, lõi của lò phản ứng hạt nhân có thể lắp 2001 thanh nhiên liệu. Tuy nhiên, căn cứ này chưa bao giờ được sử dụng để thử hạt nhân hay sản xuất các thanh nhiên liệu, bởi Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch vào năm 1984 khi hoàn thành 85% tiến độ và lắp đặt được 60% công trình, với tổng chiều dài các tuyến đường trong hang lên tới 25km.
Trong hang còn có hầm dẫn nước dài gần 3km, có đường kính là 3,5m và do hơn 3.000 lính công binh thi công trong khoảng thời gian là 4 năm. Hầm này dẫn nước từ dòng Ô Giang cách đó không xa. Được trang bị 8 máy bơm, do đó 1/3 lượng nước của Ô Giang có thể được hút lên chỉ trong một lần bơm và đưa vào trong hang.
Tuy mọi hoạt động đã bị dừng lại vào năm 1984, tuy nhiên, phải đến năm 2002, căn cứ hạt nhân quân sự tối mật này mới được Trung Quốc công khai. Năm 2010, nơi đây lần đầu tiên mở cửa cho du khách tham quan.
Được biết, đây cũng là trung tâm hạt nhân  duy nhất của Trung Quốc được mở cửa cho công chúng cho đến nay và hiện trở thành điểm du lịch nổi tiếng của nước này.