Láng giềng Việt Nam xây ‘siêu đảo năng lượng’ giữa biển sâu, được đánh giá là 1 trong 10 dự án kỹ thuật thách thức nhất năm 2024
Năng lượng thu được sẽ được sử dụng để khử muối nước biển, sản xuất hydro và các sản phẩm từ hydro, sau đó chuyển về đất liền như nhiên liệu sạch.
Một tập đoàn năng lượng Nhà nước Trung Quốc đang dẫn đầu liên minh công nghệ để xây dựng "hòn đảo  năng lượng tích hợp" ngoài khơi miền Nam nước này. Đây là dự án năng lượng xanh được các nhà khoa học đánh giá là 1 trong 10 dự án kỹ thuật thách thức nhất trong năm nay.
Mới đây, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) đã công bố kế hoạch vào ngày 22/11 về việc xây dựng cơ sở năng lượng tích hợp ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, nhằm thử nghiệm năng lượng tái tạo tại các vùng biển sâu.
Trung Quốc  đang chú trọng khai thác biển để phát triển năng lượng xanh từ điện gió ngoài khơi và các trang trại điện mặt trời nổi, đồng thời giúp giải phóng tài nguyên đất hạn chế. Tuy nhiên, để tránh cản trở các tuyến hàng hải, cảng biển và nghề cá, các cơ sở ngoài khơi cần được đưa vào khu vực đại dương sâu hơn.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã và đang khảo sát khả năng xây dựng các hòn đảo năng lượng tích hợp ở biển sâu như một phần của chiến lược năng lượng tái tạo quốc gia.
Hòn đảo nhân tạo này sẽ được kết nối với các tuabin gió ngoài khơi ở vùng biển sâu. Năng lượng thu được sẽ được sử dụng để khử muối nước biển, sản xuất hydro và các sản phẩm từ hydro, sau đó chuyển về đất liền như nhiên liệu sạch.
Theo SCMP