'Làng Tiến sĩ' 1.000 năm tuổi nổi tiếng bậc nhất Việt Nam từng lên báo Mỹ, là 'cái nôi' của 22 Tiến sĩ thời phong kiến cùng loạt cán bộ cấp cao
Trải qua hàng nghìn năm, làng vẫn giữ được nét bình yên, cổ kính giữa nhịp sống đô thị hối hả.
Nằm ở phía Bắc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), làng Đông Ngạc vẫn giữ được nét bình yên, cổ kính giữa nhịp sống đô thị hối hả. Điều này đã khiến tờ CNN (Mỹ) phải khen ngợi: "Ở ngoại ô Hà Nội, Đông Ngạc là một 'làng bác học' 1.000 năm tuổi, hầu như không hề đổi thay trong nhiều thế kỷ”.
Ngôi làng có hàng chục Tiến sĩ
Làng Đông Ngạc có tên nôm là làng Kẻ Vẽ. Dù làng có diện tích không lớn nhưng là "cái nôi" của nhiều bậc hiền tài. Trong khoảng 500 năm từ đời Trần đến đời Nguyễn, ngôi làng cổ  có đến 22 vị Tiến sĩ. Từ thời nhà Lê (1428-1788), làng Đông Ngạc được vinh danh là nơi xuất thân của nhiều Tiến sĩ.
Các dòng họ trong làng như họ Phan, họ Phạm, họ Đỗ, họ Nguyễn... đều có người đỗ đạt. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, có dòng họ 9 người đỗ cao: "Người đỗ Tiến sĩ khai khoa cho làng là cụ Phan Phu Tiên - Lưỡng triều Tiến sĩ (tức là Tiến sĩ của hai Triều: Triều Trần và triều hậu Lê). Nổi bật nhất trong làng là dòng họ Phạm có tới 9 Tiến sĩ, tiếp đến là họ Nguyễn có 6, họ Phan có 5, họ Hoàng có 4, họ Đỗ và họ Lê có 1 Tiến sĩ".
Không chỉ là ngôi làng có nhiều người đỗ Tiến sĩ dưới thời phong kiến, trải suốt chiều dài lịch sử, làng Đông Ngạc còn có nhiều người giữ chức vụ cấp cao của Nhà nước. Các danh nhân nổi tiếng như Phan Trọng Phiên, Nguyễn Hữu Tạo, Hoàng Tăng Bí, Hoàng Minh Giám... đều là những người con của làng Đông Ngạc. Năm 1910, cụ Hoàng Tăng Bí thi đỗ Phó bảng. Ông Hoàng Minh Giám giữ nhiều chức vụ cao của Nhà nước như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Ông Phạm Gia Khiêm là Nguyên Phó Thủ tướng.
Truyền thống hiếu học thấm đẫm vào từng ngõ nhỏ, thôn xóm
Nổi tiếng với truyền thống hiếu học  hàng nghìn năm qua, các thế hệ con cháu của làng không ngừng học tập, nỗ lực để làm rạng danh quê hương. Không chỉ thể hiện qua số lượng danh nhân, hiền tài, truyền thống học hành, khoa cử của làng còn được tôn vinh thông qua kiến trúc với loạt biểu tượng đặc trưng, độc đáo.
Hiện nay, ở Đông Ngạc có nhiều ngôi nhà cổ  với tuổi đời hàng trăm năm. Ngôi nhà cổ nhất được xây từ những năm 1600 với thiết kế đậm chất làng quê Bắc Bộ.
Đình Đông Ngạc hay còn gọi là đình Vẽ có tuổi đời hơn 500 năm tuổi. Đây là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng và cũng là nơi thờ cúng của làng. Khi nhìn từ trên cao, đình giống như đầu của một con rồng. Sảnh thờ được làm từ gỗ lim tượng trưng cho phần chính giữa đầu rồng, cổng chính là mũi và hai giếng nước như đôi mắt của rồng.
Sảnh chính của đình còn trưng bày bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật quý giá thời Lê theo các chủ đề về nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại, nghệ thuật và văn học.
Ở làng Đông Ngạc còn có chùa Tư Khánh hay còn gọi là chùa Vẽ, chùa Cả. Đây là ngôi chùa Phật giáo được xây dựng theo kiến trúc gồm tam quan, gác chuông, nhà vuông mái chồng diêm, chùa chính và nhà Tổ. Chùa chính có kết cấu hình chữ Đinh với tiền đường 3 gian 2 chái.
Nơi đây có bức tượng rùa đội bia đá, quả chuông đúc từ năm 1315, những bia đá thờ Phật và ghi danh những người làng đỗ đạt cao.
Lễ hội đình Vẽ - Bảo tồn, giữ nguyên nét đẹp cổ
Từ ngày 9-10/2 (âm lịch) hàng năm, hàng vạn người dân ở Đông Ngạc cùng du khách thập phương lại háo hức trở về nơi địa linh nhân kiệt này để dự lễ hội truyền thống đình Vẽ.
Tương truyền, làng Vẽ có một ngôi miếu cổ nằm ngoài bờ đê để thờ Thổ thần. Năm 1635, dưới triều vua Lê Thần Tông, nhân dân đã cùng nhau chuyển miếu thờ về tại nơi đây, xây dựng lại với mục đích để thờ Thành Hoàng.
Đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ, mang vẻ đẹp cổ kính. Hàng năm, tại lễ hội đình Vẽ đều có hoạt động rước tháp bút nhằm tôn vinh sự học và truyền thống khoa bảng của làng. Đồng thời nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống để lưu truyền cho thế hệ mai sau.