Lệnh trừng phạt LNG Nga của EU sẽ chỉ là “đòn gió”
Nhận định trên được một số chuyên gia đưa ra khi bình luận về gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga vừa được EU thông qua trong tuần này.
Liên minh châu Âu  (EU) đã nhắm vào lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga lần đầu tiên trong gói trừng phạt mới nhất, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, lệnh cấm vận này khó có thể cản trở việc xuất khẩu khí đốt của Nga.
Tuần này, Hội đồng châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong đó bao gồm một loạt hạn chế mới liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
Sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 9 tháng, EU sẽ cấm sử dụng các cảng của mình để trung chuyển khí LNG Nga sang các thị trường thứ ba ngoài khối, như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thông báo của EU, động thái mới nhất nhằm mục đích tăng chi phí hậu cần của Nga và ngăn chặn việc dỡ LNG từ các tàu phá băng lớn của nước này sang các tàu nhỏ hơn, rẻ hơn để vận chuyển tiếp đến phần còn lại của thế giới. EU nói rằng lệnh cấm vận sẽ buộc Moscow phải tìm các cơ sở trung chuyển thay thế, do đó làm tăng chi phí.
Brussels cũng ngay lập tức cấm các công ty châu Âu đầu tư hoặc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tới các nhà máy LNG đang được xây dựng của Nga, đặc biệt nhắm vào các dự án LNG 2 Artic và Murmansk LNG của tập đoàn năng lượng Novatek.
EU hy vọng gói trừng phạt mới nhất sẽ làm gián đoạn nguồn cung linh kiện quan trọng và làm giảm sản lượng khí đốt dài hạn của Nga, đặc biệt khi Moscow đặt mục tiêu chiếm 20% thị trường LNG toàn cầu vào năm 2035.
Gói trừng phạt thứ 14 đánh dấu lần đầu tiên EU nhắm vào lĩnh vực LNG của Nga kể từ khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine, phù hợp với mục tiêu của khối là chấm dứt sự phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung năng lượng từ Moscow vào năm 2027.
Tuy nhiên, trang Global Trade Review dẫn lời các chuyên gia nhận định, những biện pháp nói trên khó có thể có tác động đáng kể đến khối lượng xuất khẩu của Nga trong thời gian tới.
Chuyên gia James Willn - một đối tác tại công ty luật Reed Smith – cho biết, việc nhập khẩu khí đốt Nga vào châu Âu chưa thể sớm chấm dứt vì EU vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Moscow.
Theo ông Willn, Brussels hy vọng việc ngăn chặn vận chuyển LNG sẽ khiến Moscow gặp khó khăn hơn và làm giảm doanh thu thực tế từ LNG, nhưng thực tế điều đó khó có thể làm giảm xuất khẩu khí đốt của Nga.
Chuyên gia Willn lưu ý thêm rằng Nga có khoảng 9 tháng để tìm ra các phương pháp thay thế để vận chuyển LNG mà không cần sử dụng các cảng của EU.
Cũng có quan điểm tương tự, các chuyên gia Nga nói với hãng tin Tass rằng lệnh cấm vận của EU sẽ không phát huy hiệu quả trong việc chặn nguồn thu từ LNG của Moscow, thay vào đó sẽ làm tăng giá khí đốt toàn cầu.
"Lệnh cấm trung chuyển khí LNG Nga sang các thị trường thứ ba ngoài EU sẽ khiến giá mặt hàng năng lượng này tăng phi mã. Trong khi đó, chúng tôi đã có giải pháp đối phó với khó khăn này khi tập đoàn năng lượng Novatek đã thiết lập trạm trung chuyển khí đốt tại Murmansk và dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc” - bà Maria Belova, Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Implementa của Nga cho hay.
EU sẽ áp thêm giá trần LNG?
Vòng trừng phạt mới nhất của EU diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về vai trò của khối này trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại năng lượng của Nga.
Trong năm 2023, Nga được cho là đã thu được lợi nhuận 8 tỷ euro từ việc xuất khẩu LNG sang EU. Theo báo cáo của nhóm Global Witness, chỉ 1/4 số tiền này là tiền trung chuyển, phần còn lại đã được các quốc gia thành viên EU sử dụng.
Việc châu Âu nhập khẩu bùng nổ khí đốt Nga đang thúc đẩy những lời kêu gọi về giá trần với LNG, tương tự như giá trần với dầu thô của Nga (60 USD/thùng) mà EU, Mỹ và các quốc gia đồng minh áp đặt kể từ tháng 12 năm ngoái.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 4, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết, EU nên đưa ra giá trần LNG là 17 euro/MWh - mức giá mà Nga vẫn có lãi khi xuất khẩu, nhưng đồng thời làm giảm nghiêm trọng doanh thu của Moscow.
CREA ước tính biện pháp áp giá trần như vậy sẽ làm giảm tổng doanh thu xuất khẩu LNG của Nga tới 60% trong năm 2023, tương đương 10 tỷ euro.
Tuy nhiên, biện pháp áp giá trần với dầu mỏ đã phải đối mặt với những thách thức. Báo cáo của GTR trong những tuần gần đây cho hay, các công ty bảo hiểm của Anh bị phát hiện đã bảo hiểm cho 8 lô hàng dầu thô của Nga được bán trên 60 USD/thùng.
>> EU tìm giải pháp thay thế hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga-Ukraine 
EU cáo buộc Microsoft cản trở cạnh tranh 
EU khởi động đàm phán về tư cách thành viên đối với Ukraine