Lộ diện 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, miền Bắc có tới 4 đại diện
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định 8 tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị  và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu của quy hoạch đến năm 2030 là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, đồng thời phát triển và sắp xếp hệ thống đô thị và nông thôn một cách thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện phát triển, tạo ra môi trường sống lành mạnh, có khả năng chống chịu, thích ứng với tình trạng nước biển dâng và biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường và giảm phát thải.
Phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, tạo dựng một số đô thị và chuỗi đô thị động lực với kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc. Đồng thời, phát triển các đô thị trở thành "trung tâm" chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông, thu hút đầu tư.
Quy hoạch cũng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế tại các khu vực đô thị sẽ phát triển theo hướng hiện đại, với trọng tâm là các ngành kinh tế xanh và kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 50% và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 70%. Số lượng đô thị trên toàn quốc sẽ nằm trong khoảng 1.000 đến 1.200 đô thị. Một số trung tâm đô thị cấp quốc gia và cấp vùng sẽ được hình thành, đáp ứng các tiêu chuẩn về y tế, giáo dục, đào tạo và văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Kinh tế khu vực đô thị sẽ đóng góp khoảng 85% vào GDP cả nước. Đồng thời, xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu phát triển nông thôn có môi trường sống được kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị, tạo nên những khu vực văn minh, xanh, sạch, đẹp và giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Điều kiện sống và thu nhập của cư dân nông thôn sẽ tiệm cận với mức sống tại các đô thị.
Đặc biệt, quy hoạch nêu rõ phát triển TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng các thành phố khác trực thuộc Trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Quy hoạch đô thị lớn sẽ được gắn kết chặt chẽ với giao thông công cộng (TOD), chú trọng khai thác không gian ngầm và phát triển các đô thị vệ tinh để giảm tải cho các khu vực đô thị trung tâm.
Theo quy hoạch, 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, TP. HCM (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
Bên cạnh đó, 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
Quy hoạch đã ban hành Danh mục 42 đô thị loại I, trong đó Vùng đồng bằng sông Hồng có 11 đô thị, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 5 đô thị, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 7 đô thị, Vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, Vùng Đông Nam Bộ có 5 đô thị và Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 11 đô thị.
Quy hoạch cũng ban hành Danh mục 50 đô thị loại II, phân bổ theo các vùng như sau: Vùng đồng bằng sông Hồng có 10 đô thị, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 11 đô thị, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 11 đô thị, Vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, Vùng Đông Nam Bộ  có 8 đô thị, và Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 7 đô thị.
>> Miền Nam Việt Nam sẽ có thêm hai thành phố trực thuộc Trung ương