Lộ diện top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2024, duy nhất một đại diện Đông Nam Á góp mặt
Bảng xếp hạng năm 2024 cho thấy sự bứt phá của Ấn Độ và sự vượt trội của các quốc gia BRICS so với nhóm G7.
Ra đời trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970, khối G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) nhanh chóng trở thành nhóm các nền kinh tế lớn, giàu có, và phát triển - thống trị những ngành then chốt trên toàn cầu.
Đến thập niên 2000, nhóm BRICS  xuất hiện – tập hợp các quốc gia chủ yếu từ “Nam bán cầu” – ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng nhờ sức mạnh kinh tế ổn định, được thúc đẩy bởi toàn cầu hóa. Hiện tại, BRICS được xem như đối thủ cạnh tranh của G7.
Cả 2 nhóm này đều nằm trong G20 – gồm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70 - 85% quy mô nền kinh tế toàn cầu.
Bảng xếp hạng dưới đây cho thấy giá trị GDP năm 2024 của 10 quốc gia đứng đầu, được điều chỉnh theo sức mua tương đương (PPP), dựa trên dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cập nhật vào tháng 10/2024.
Tất cả số liệu đều được làm tròn và tính bằng “đô la quốc tế” (International dollars). Đây là một đơn vị tiền tệ giả định có sức mua ngang bằng sức mua của đồng USD tại một thời điểm nhất định.
Nó cho thấy một đơn vị tiền tệ nội địa có giá trị quốc tế thế nào trong phạm vi biên giới của một quốc gia.
Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu xét theo GDP điều chỉnh PPP. Trong khi đó, Mỹ đứng ở vị trí thứ 2, với GDP (PPP) thấp hơn Trung Quốc khoảng 4 nghìn tỷ đô la quốc tế.
Vị trí thứ 3 thuộc về Ấn Độ, với GDP (PPP) cao gấp gần 4 lần so với GDP danh nghĩa. Nga và Nhật Bản lần lượt giữ các vị trí thứ 4 và thứ 5.
Nhìn chung, các nước BRICS đang vượt qua G7, phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ.
Tại sao sử dụng GDP điều chỉnh theo PPP?
Để tính GDP điều chỉnh theo PPP, nói một cách đơn giản, GDP của một quốc gia sẽ được chuyển đổi sang một loại tiền chung gọi là “đô la quốc tế”.
Tỷ giá được điều chỉnh để phản ánh sự chênh lệch về giá cả giữa các nước, đảm bảo rằng một rổ hàng hóa và dịch vụ giống nhau sẽ có giá tương đương ở mọi quốc gia. Điều này giúp đánh giá chính xác hơn quy mô kinh tế thực sự, thay vì chỉ dựa vào tỷ giá hối đoái thông thường.
Ưu điểm của phương pháp này là giúp thể hiện sức mạnh tương đối của những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi chi phí sinh hoạt thấp hơn so với các quốc gia thu nhập cao. Đây là lý do tại sao GDP (PPP) của Ấn Độ cao hơn nhiều so với GDP danh nghĩa của nước này.
Tuy nhiên, cách tính trên cũng có những hạn chế vì mọi người trên thế giới không tiêu thụ các loại hàng hóa và dịch vụ giống nhau. Hơn nữa, dữ liệu sử dụng để tính toán, đặc biệt ở các nước đang phát triển, có thể không đầy đủ hoặc lỗi thời.
Ngoài ra, phương pháp này không phản ánh sự khác biệt về chất lượng sản phẩm hay cơ cấu kinh tế giữa các quốc gia.
Mặc dù điều chỉnh chi phí sinh hoạt có giá trị nhất định, tỷ giá hối đoái thực tế vẫn cần thiết trong các quyết định thương mại và đầu tư, khiến phương pháp PPP bị đánh giá kém thực tế hơn trong một số trường hợp.
Theo Visual Capitalist
>> Lộ diện 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025, Việt Nam đứng thứ mấy?
Lộ diện những nền kinh tế tốt nhất thế giới năm 2024: Duy nhất một đại diện châu Á lọt top 
Lộ diện quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới, không phải Trung Quốc