Loại củ mọc bờ ao từng bị bỏ quên, nay khiến dân thành thị mê mẩn với giá 80.000 đồng/kg
Củ mã thầy, từ món ăn dân dã, nay trở thành đặc sản được ưa chuộng tại các thành phố lớn.
Củ mã thầy, loại củ từng chỉ dành cho người dân quê nghèo, nay đã trở thành đặc sản được yêu thích tại các thành phố lớn. Với vị ngọt mát, giòn thơm, củ mã thầy hiện được bán trên thị trường với giá từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 80.000 đồng/kg nếu được gọt sẵn.
Dạo quanh khu phố cổ Hà Nội, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những gánh hàng rong bày bán nhiều loại hoa quả gọt sẵn. Trong số đó, củ mã thầy với lớp vỏ ngoài tím đen, phần ruột trắng tinh, giòn và ngọt là một món ăn giải nhiệt được ưa chuộng.
Mã thầy thuộc loại cây thân thảo, sống lâu năm và thích nghi tốt với môi trường ngập nước. Loại cây này trước đây mọc hoang dại ở các vùng ao hồ, đồng chiêm trũng. Hiện nay, mã thầy được trồng phổ biến tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, cũng như ở vùng Đồng Tháp Mười, nơi đất phèn vẫn phù hợp để cây phát triển.
Củ mã thầy thường được thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, khi gốc cây chuyển sang màu vàng, dấu hiệu củ đã trưởng thành và sẵn sàng để thu hoạch. Củ này không chỉ gắn liền với nét mộc mạc của ẩm thực  dân gian mà còn là nguyên liệu cho nhiều món ăn như canh hầm, chè, hay nhân trân châu.
Những người bán hàng chia sẻ rằng củ mã thầy ăn sống có vị ngọt mát, thơm hơn củ đậu, thích hợp làm món giải nhiệt trong ngày nóng. Nếu thích cầu kỳ, bạn có thể dùng củ mã thầy để hầm xương, nấu chè hay chế biến các món ăn độc đáo khác.
Chị Hoàng Anh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, kể: "Lần đầu tiên mình biết đến củ mã thầy là khi ra Hà Nội học. Mình mua ăn thử ở chợ sinh viên và rất ấn tượng vì vị ngọt, giòn. Mỗi khi trời nóng, mình thường mua về để ăn sống hoặc nấu chè, vừa ngon vừa bổ".
Gọt mã thầy không phải việc dễ dàng vì lớp vỏ ngoài khá cứng và bám chắc. Một mẹo nhỏ giúp gọt vỏ nhanh hơn là dùng dao cắt bỏ phần đầu củ, sau đó tiếp tục lột dọc thân củ. Phần còn lại ở giữa có thể gọt bằng dụng cụ chuyên dụng để tiết kiệm thời gian.
Ngày nay, mã thầy không chỉ được ưa chuộng tại các thành phố lớn ở miền Bắc mà còn có mặt trong những món chè ở miền Nam, nơi loại củ này được gọi là củ năng. Từ một món ăn dân dã, củ mã thầy đã vươn mình trở thành đặc sản nổi tiếng, góp phần khẳng định giá trị của những sản vật tự nhiên trong nền ẩm thực Việt Nam.