Loại hạt được mệnh danh là 'thức ăn của các vị thần' đang khan hiếm nguồn cung, Việt Nam có tiềm năng lớn
Việt Nam sở hữu loại đặc biệt được đánh giá cao nhờ hương vị độc đáo, chỉ chiếm 0,1% tổng sản lượng toàn cầu.
Giá hạt ca cao - nguyên liệu chính để sản xuất chocolate đang chứng kiến biến động mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu. Đầu năm 2024, giá ca cao khởi điểm khoảng 4.400 USD/tấn và đạt đỉnh 12.000 USD/tấn vào tháng 4 trước khi giảm nhẹ xuống 7.000 USD/tấn vào tháng 5. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt cung-cầu kéo dài đã khiến giá được dự báo tiếp tục tăng cao.
Mùa vụ 2023-2024 chứng kiến mức thâm hụt 500.000 tấn, năm thứ ba liên tiếp ca cao ghi nhận thiếu hụt. Đây cũng là mức thâm hụt lớn nhất trong lịch sử ngành. Lượng dự trữ ca cao tại châu Âu và Mỹ đã giảm từ 400.000 tấn vào cuối năm 2023 xuống chỉ còn 100.000 tấn - mức thấp kỷ lục.
Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt là sản lượng giảm 13%, đặc biệt tại Bờ Biển Ngà và Ghana - hai quốc gia chiếm hơn 50% nguồn cung ca cao toàn cầu. Hiện tượng El Nino và tình trạng cây ca cao già cỗi, cùng với sự lây lan của vi rút gây sưng chồi ca cao, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.
Quả cacao |
Một nghiên cứu của công ty Forestero chỉ ra rằng tỷ lệ cây ca cao bị nhiễm vi rút tại Tây Phi hiện đã lên tới 67%, cao hơn gấp đôi so với trước đây. Chuyên gia Steve Wateridge dự báo sản lượng của Bờ Biển Ngà có thể giảm một nửa nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Hạn chế về địa lý cũng làm gia tăng tính mong manh của nguồn cung. Ca cao chỉ trồng được trong vành đai xích đạo hẹp, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Thực tế, Brazil từng chứng kiến sản lượng ca cao giảm 70% chỉ trong vòng 5 năm khi dịch bệnh bùng phát vào năm 1989.
Dù ca cao Việt Nam chỉ chiếm diện tích khiêm tốn với 3.400ha và sản lượng gần 5.300 tấn vào năm 2022, tiềm năng phát triển ngành này là rất lớn. Đặc biệt, giống ca cao Trinitario trồng tại Việt Nam được đánh giá cao nhờ hương vị độc đáo, chỉ chiếm 0,1% tổng sản lượng toàn cầu.
Từ năm 2013, Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) đã liên tục xếp hạng hạt ca cao Việt Nam vào nhóm sản phẩm hảo hạng nhất thế giới. Với nốt hương chua ngọt nhiệt đới đặc trưng, ca cao Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn, thường được bán với giá cao hơn so với sản phẩm từ các quốc gia khác.
Những yếu tố hạn chế nguồn cung, từ dịch bệnh, khí hậu đến các quy định về môi trường, đều góp phần đẩy giá ca cao lên cao. Theo các chuyên gia, cú sốc giá hiện tại mới kéo dài 1 năm và có thể tiếp tục trong 4 năm tới.
Lịch sử từng ghi nhận giá ca cao đạt mức tương đương 28.000 USD/tấn (theo giá đã điều chỉnh lạm phát) vào năm 1977. Với bối cảnh thị trường hiện nay, kỷ lục giá mới hoàn toàn cóthể xuất hiện.
Trong khi các nước sản xuất lớn đang đối mặt với thách thức lớn, ca cao Việt Nam, với chất lượng vượt trội và hương vị độc đáo, có cơ hội phát triển vượt bậc, trở thành một trong những nguồn cung ca cao quan trọng của thế giới.
Ca cao có tên La Tinh là Theobroma cacao, có nghĩa là “thức ăn của các vị thần” (Food of the Gods). Loại quả này đóng một vai trò rất lớn trong nhiều nền văn hóa của Trung Mỹ cổ. Cây ca cao thường mọc dưới bóng râm của các loại cây khác. Nó có thể cao khoảng 12m và có quả hơn chiều dài bàn chân người (khoảng 30cm). Quả ca cao có thể có màu vàng nâu, chuyển dần sang màu tím. Và chứa khoảng 20 – 40 hạt cacao màu hồng, cùi quả ca cao có vị ngọt.