Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Sáng ngày 28/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã diễn ra với việc biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Với 462 đại biểu tán thành (chiếm 95,06%), Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cũng tại kỳ họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, ông Tùng cho biết ngày 28/5/2024, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và tại phiên họp, đã có 26 lượt ý kiến phát biểu, 7 vị đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia bằng văn bản.
>> Mục sở thị cây cầu cạn đẹp nhất thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua Thanh Hóa
Trên cơ sở thống nhất của Chính phủ, UBTVQH đã tóm tắt một số nội dung lớn trong tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, UBTVQH xin được tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý nội dung giải thích thuật ngữ "đô thị trung tâm" tại Khoản 1 Điều 3; "khu vực nội đô lịch sử" tại Khoản 2 Điều 3; rà soát các quy định về cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục chất lượng cao nhằm đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo của Luật.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua bao gồm 7 chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; các chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật chính thức có hiệu lực được thi hành từ 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 54 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.
Cùng với việc quy định về phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của TP. Hà Nội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cho các cơ quan của TP. Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương, đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cho phép các đơn vị công lập thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội, các đơn vị sự nghiệp công lập có cơ sở trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương xây dựng TP. Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.
TP. Hà Nội cũng sẽ được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ.
>> Thủ tục sang tên và chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào và mất bao lâu?