Màn 'so găng' ĐHĐCĐ bất động sản 2025: Ai sẽ dẫn dắt thị trường?
Năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự phân hóa rõ nét giữa các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô biến động. Mùa Đại hội đồng cổ đông trở thành tấm gương phản chiếu cục diện thị trường và là bước ngoặt chiến lược cho tương lai từng doanh nghiệp. Khả năng thích ứng và chiến lược khôn ngoan sẽ quyết định ai trụ vững qua cuộc sàng lọc khốc liệt.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã đặt mục tiêu tăng trưởng ấn tượng trong năm 2025. Những tên tuổi lớn như Vinhomes, Khang Điền, Văn Phú Invest, DIC Corp, Hải Phát Invest, Nam Long… không chỉ quyết tâm đạt được mức lợi nhuận "tăng bằng lần", mà còn khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường bất động sản Việt Nam.
![]() |
Thị trường bất động sản Việt Nam không chỉ là "sân chơi" của các ông lớn, mà còn chứng kiến sự phân cực rõ rệt giữa các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy biến động. |
>>>Bất động sản 'xanh hóa' bùng nổ: 86% người Việt quan tâm, 88% sẵn sàng chi thêm
Vinhomes (HoSE: VHM) tiếp tục vững vàng giữ ngôi vị "ông lớn" dẫn đầu trong ngành bất động sản, với mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2025: doanh thu thuần đạt 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 42.000 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 76% và 20% so với năm trước. Nếu kế hoạch này trở thành hiện thực, VHM không chỉ duy trì mạch doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng trong 3 năm liên tiếp mà còn lập nên một cột mốc lịch sử mới, không chỉ cho riêng mình mà cho cả toàn bộ thị trường bất động sản Việt Nam.
"Con át chủ bài" để hiện thực hóa mục tiêu này chính là việc tiếp tục rót vốn và triển khai hàng loạt dự án quy mô tại các thủ phủ bất động sản như Hà Nội, TP. HCM và Long An, kết hợp cùng năng lực bán hàng đã được chứng minh và chiến lược phát triển các khu đô thị kiểu mẫu. Rõ ràng, VHM đang dốc toàn lực để khẳng định vị thế đỉnh cao của mình trên thị trường.
Nhà Khang Điền (KDH) cũng đang cho thấy sự tăng tốc đầy tự tin trong năm 2025. Mục tiêu doanh thu thuần 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng ấn tượng gần 16% và 23% so với năm 2024, cho thấy KDH không chỉ duy trì sự ổn định mà còn khao khát bứt phá. Với những con số này, Khang Điền đang ngầm khẳng định vị thế của một "tay chơi" đáng gờm trên thị trường, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng và mang về những kết quả kinh doanh nhuận sắc cho các cổ đông trong năm tới.
DIC Group (HoSE: DIG) đang lấy lại phong độ khi đề ra mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng, cao nhất lịch sử và lãi sau thuế 718 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,4 lần và 4,5 lần so với năm trước. Đây là động thái khá bất ngờ của DIC Group, bởi doanh nghiệp này vừa trải qua năm 2024 cực kỳ vất vả khi vừa mất đi “thuyền trưởng” Nguyễn Thiện Tuấn, vừa chứng kiến kết quả kinh doanh èo uột, buộc phải thực hiện một cuộc đại phẫu cả về bộ máy lẫn đường hướng đầu tư - kinh doanh.
Trong khi đó, Địa ốc Nam Long (NLG) đề ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 701 tỷ đồng, tăng đến 35% so với năm trước. Đặt trọng tâm kinh doanh năm 2025 vào việc đẩy mạnh bán hàng và bàn giao tại các dự án hiện có như Akari City, Waterpoint, Izumi City, EHomeS Cần Thơ, EHome Southgate và Nam Long II Central Lake. Đồng thời, công ty có kế hoạch tung ra hơn 2.000 sản phẩm mới tại các phân khu chủ lực và tiếp tục mở rộng thị trường tại các khu vực tiềm năng.
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) vừa ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2025 rất tích cực với lợi nhuận sau thuế đạt 402 tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ) và lãi ròng đạt 351 tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ), mức cao nhất kể từ quý I/2021, giúp hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm. Doanh thu thuần đạt 1.941 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ), với động lực chính từ mảng dịch vụ tiện ích điện nước cho khu công nghiệp (chiếm hơn 80% tổng doanh thu). Đáng chú ý, doanh thu tài chính tăng mạnh gấp 3,6 lần lên gần 234 tỷ đồng nhờ lãi thoái vốn đầu tư.
Cùng đóng góp tên tuổi, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) ghi nhận kết quả kinh doanh nhuận sắc trong 3 tháng đầu năm. Doanh thu bán hàng đạt 438 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ doanh thu chuyển nhượng bất động sản tại dự án Bắc Hà Thanh. Doanh thu tăng trưởng mạnh góp phần đưa lãi sau thuế của Phát Đạt tăng 15% so với cùng kỳ, lên mức 44 tỷ đồng.
![]() |
Các doanh nghiệp bất động sản hiện đang cẩn trọng tính toán tài chính và chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường. |
>>> Chỉ số vĩ mô đang ổn định vững chắc, Việt Nam đã sẵn sàng cho bước nhảy vọt 2025
Trái ngược với bức tranh lạc quan, Lideco (NTL) cho thấy sự "hụt hơi" rõ rệt với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận chỉ đạt 70 tỷ đồng và lãi sau thuế 24 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm trước. Sự thụt lùi về kế này xuất phát từ chính tình trạng cạn kiệt vốn liếng. Cụ thể, trong 2 năm 2023 – 2024, Lideco đã gần như ghi nhận tất cả những gì có thể ghi nhận để tạo ra mức doanh thu và lợi nhuận rất lớn. Đến năm 2025, doanh nghiệp này cơ bản chẳng còn gì. Chính Lideco cũng thú nhận với cổ đông rằng công ty không có sản phẩm để kinh doanh.
Doanh thu của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) cũng sụt giảm 13% trong quý I vừa qua, về mức 925 tỷ đồng. Tuy giảm 155 tỷ đồng so với cùng kỳ, hoạt động bán căn hộ, đất nền vẫn đóng góp chủ yếu vào doanh thu của toàn tập đoàn, với 666 tỷ đồng. Hoạt động môi giới đem về doanh thu 196 tỷ đồng, tăng 4%. Tổng doanh thu đi lùi nhưng nhờ cắt giảm giá vốn bán hàng, công ty vẫn báo lãi tương đương mức cùng kỳ, đạt 79 tỷ đồng.
Cùng chung nỗi niềm, Tập đoàn Hà Đô (HDG), một nhà phát triển bất động sản lớn, không ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản (tương tự quý III/2024). Doanh thu 599 tỷ đồng của công ty chủ yếu đến từ các mảng năng lượng như thủy điện, điện mặt trời và điện gió, giảm 29% so với cùng kỳ. Việc này, cùng với việc trích lập chênh lệch giá bán điện của dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4, đã khiến lợi nhuận sau thuế của Hà Đô giảm 22%, đạt 207 tỷ đồng.
Novaland (NVL) lại mang đến một kịch bản bấp bênh nhất trong mùa ĐHĐCĐ 2025 khi trình bày tới hai phương án kinh doanh, mà đáng lo ngại là cả hai đều "nhuốm màu" thua lỗ. Phương án 1 kỳ vọng doanh thu thuần đạt 13.411 tỷ đồng và lỗ sau thuế 12 tỷ đồng, trong khi phương án 2 thận trọng hơn với mục tiêu doanh thu 10.453 tỷ đồng và lỗ 688 tỷ đồng.
"Năm 2025 chưa phải là năm hái quả, Novaland chưa thể có lãi mà nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ hết pháp lý, xây dựng trở lại để khơi thông dòng tiền. Chúng tôi không đưa ra con số cao trong khi không biết chắc có thực hiện được hay không. Chủ trương của chúng tôi là cam kết với cổ đông như thế nào thì cố gắng bằng mọi giá phải thực hiện được", Tổng Giám đốc Novaland cho hay.
Mặc dù có nhiều quan điểm trái chiều về triển vọng thị trường bất động sản năm 2025, nhưng thị trường chỉ là bối cảnh chung, không quyết định hoàn toàn vận mệnh của doanh nghiệp. Trong khó khăn vẫn có đơn vị vươn lên mạnh mẽ, và ngược lại, dù các doanh nghiệp thường đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng, nhưng việc không đạt kế hoạch đã trở nên phổ biến.
Nguyên nhân có thể đến từ cú sốc thị trường, biến động kinh tế ngoài kiểm soát, khó khăn nội bộ, hoặc thậm chí do lãnh đạo xây dựng kế hoạch thiếu thực tế, mang tính hình thức nhiều hơn là chiến lược. Do đó, kế hoạch kinh doanh năm 2025 phụ thuộc vào nội lực và chiến lược riêng của từng doanh nghiệp.
Dù vậy, việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 vẫn là một "liều thuốc tinh thần" đáng khích lệ, cho thấy sự trỗi dậy của hoạt động đầu tư và kinh doanh sau giai đoạn trầm lắng, đồng thời hé mở những tín hiệu phục hồi tích cực của toàn thị trường.
>>> 'Điểm rơi' đầu tư: 8 cổ phiếu bluechip đang được định giá hời
Bất động sản 'xanh hóa' bùng nổ: 86% người Việt quan tâm, 88% sẵn sàng chi thêm
Novaland (NVL) công bố kết quả kinh doanh quý I/2025, bàn giao hàng trăm bất động sản