Bất động sản

Sáp nhập tỉnh: Bất động sản nghỉ dưỡng liệu có trở thành ‘điểm nóng’ mới?

Trang Nhung 05/05/2025 06:03

Chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, đặc biệt là việc sáp nhập tỉnh đang tạo ra tác động rõ rệt, không chỉ trong bộ máy quản lý mà còn trên thị trường bất động sản (BĐS). Đáng chú ý, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đang nổi lên như một "điểm sáng” tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), BĐS nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc tiềm năng trong năm 2025. Trong đó, kết quả tích cực của ngành du lịch là căn cứ vững chắc thúc đẩy BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, bởi du lịch cần hệ thống hạ tầng từ giao thông đến cơ sở lưu trú chất lượng để đảm bảo, duy trì tính hấp dẫn.

Ngay từ quý I/2025, nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng đã có sự cải thiện. Toàn thị trường có 950 sản phẩm mở bán mới, gấp 2,4 lần quý trước và gấp gần 3 lần cùng kỳ năm 2024, song mới chỉ bằng 18% cùng kỳ năm 2022. Xét theo khu vực, khoảng 78% nguồn cung mới được đóng góp từ miền Trung. Riêng 1 dự án thấp tầng tại TP. Nha Trang (Khánh Hoà) chiếm tới 53% tổng nguồn cung mở bán mới trong quý.

Các dự án mới mở bán đều được hấp thụ tương đối tốt, với tỷ lệ đạt 51%, tương đương hơn 400 giao dịch. Nguồn cung mở bán mới có sự cải thiện, sản phẩm ra hàng được phát triển theo 2 hướng chính là biệt thự nghỉ dưỡng lâu dài hay căn hộ du lịch trong khu đô thị.

Sáp nhập tỉnh: Bất động sản nghỉ dưỡng liệu có trở thành ‘điểm nóng’ mới?- Ảnh 1.
Bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025 (Ảnh: ITN)

VARS cho biết, nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 80% so với năm 2024, dự kiến "bung" hàng khi các chủ đầu tư hoàn thành việc điều chỉnh về giá bán và chính sách. Nguồn cung chủ yếu là căn hộ dịch vụ tại các khu vực du lịch trọng điểm. Trong thời gian tới, cùng với kết quả phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và cơ hội mở hơn từ hành lang pháp lý, BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ có những bước "chuyển mình" đáng kể.

"Tâm lý nhà đầu tư phục hồi nhờ các tín hiệu tích cực về vĩ mô và pháp lý. Hàng loạt dự án sân bay, cao tốc được đầu tư và mở rộng, giúp cải thiện khả năng kết nối giữa các vùng, khu vực. Du lịch phục hồi mạnh giúp công suất và giá thuê tăng trưởng. Cơ quan quản lý Nhà nước đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, có dự án căn hộ du lịch đã được cấp sổ hồng", Đại diện VARS phân tích.

>> Huyện đảo cực Đông Bắc Tổ quốc sẽ khai thác du lịch tại hàng loạt đảo nhỏ

Cần có chiến lược đầu tư đúng đắn

Trước câu hỏi BĐS nghỉ dưỡng có trở thành "điểm nóng" mới sau sáp nhập, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho hay, khi thực hiện việc sáp nhập, bộ máy hành chính sẽ được tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, đồng nghĩa với việc các trung tâm chính trị - kinh tế- văn hóa mới sẽ hình thành. Từ đó, giá thành BĐS nghỉ dưỡng tại các khu vực thuộc trung tâm, có hạ tầng và du lịch tốt sẽ tăng lên, do kỳ vọng tăng trưởng.

Ông Điệp lấy ví dụ, đơn cử như Hải Phòng với lợi thế phát triển du lịch biển và sinh thái sẽ vô cùng thu hút đầu tư. Hay Thanh Hóa với hệ thống hạ tầng hoàn thiện có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn cho du lịch nghỉ dưỡng.

Tuy vậy, thông tin sáp nhập có thể khiến tâm lý nhà đầu tư biến động và lập tức bị kích hoạt bởi kỳ vọng về làn sóng đầu tư công đi kèm, đặc biệt là nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, tái quy hoạch đô thị, phát triển dịch vụ và du lịch. Nhiều khu vực mới sáp nhập chưa được khai thác đúng mức, sau khi có chủ trương phát triển đồng bộ, nhà đầu tư lập tức đổ xô mua đất bởi hy vọng lợi nhuận cao. Đây là động lực chính dẫn đến "sốt đất" .

Để không bị cuốn vào các cơn "sốt giá" ảo, đòi hỏi một chiến lược đầu tư phù hợp. Thứ nhất, cần cập nhật quy hoạch vùng để xác định vị trí trở thành điểm kết nối chiến lược, trung tâm du lịch mới nổi. Cùng với đó, cần bám sát chính sách và quy hoạch hạ tầng, bởi các điểm được ưu tiên phát triển hạ tầng thường kéo theo giá trị BĐS tăng mạnh.

Sáp nhập tỉnh: Bất động sản nghỉ dưỡng liệu có trở thành ‘điểm nóng’ mới?- Ảnh 2.
Nhà đầu tư cần có chiến lược đúng đắn, tránh các cơn "sốt đất" ảo sau sáp nhập (Ảnh: ITN)

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cần định hướng lại mô hình đầu tư và phát triển sản phẩm. Có thể chuyển từ mô hình cam kết lợi nhuận cao sang chia sẻ doanh thu thực tế để bền vững hơn. Kết hợp BĐS nghỉ dưỡng với chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng cao cấp để gia tăng giá trị sử dụng thực tế. Phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái, farmstay, wellness resort để đáp ứng xu hướng du lịch xanh và bền vững.

Vị chuyên gia này nhận định, nếu các tỉnh sau sáp nhập quy hoạch không nhất quán, thiếu bản sắc, chỉ chạy theo tăng trưởng ngắn hạn, thị trường BĐS nghỉ dưỡng khó thể phát triển bền vững. Một thị trường chỉ phát triển bền vững nếu hội tụ đủ ba yếu tố: Vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng du lịch có sẵn và tầm nhìn quy hoạch rõ ràng từ chính quyền mới sau sáp nhập.

"Sáp nhập tỉnh mở ra nhiều cơ hội cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng, tuy nhiên quá trình này cũng đi kèm không ít thách thức. Do đó, cần sự vào cuộc đồng bộ từ phía Nhà nước và doanh nghiệp. Nếu đáp ứng được các yếu tố như đầu tư bài bản về hạ tầng, khai thác hiệu quả tài nguyên sẵn có, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án quy mô lớn, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng hoàn toàn có thể trở thành một "mũi nhọn" kinh tế trong tương lai", ông Điệp nêu ý kiến.

>> Sau khi sáp nhập, tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam dự kiến sẽ trở thành TP trực thuộc Trung ương

Bộ Xây dựng kiến nghị nghị quyết chung cho đường sắt cao tốc trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành

Vòng xoáy đáo hạn: Trái phiếu BĐS đang kéo thị trường đến mép vực?

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/sap-nhap-tinh-bat-dong-san-nghi-duong-lieu-co-tro-thanh-diem-nong-moi-202250502083728568.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sáp nhập tỉnh: Bất động sản nghỉ dưỡng liệu có trở thành ‘điểm nóng’ mới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH