Không phải Hà Nội, đây mới là địa phương giáp nhiều tỉnh, thành nhất Việt Nam sau sáp nhập
Dự kiến sau sáp nhập ba tỉnh, một “siêu tỉnh” mới sẽ hình thành với quy mô hơn 4 triệu dân và vị trí kết nối chiến lược bậc nhất miền Bắc. Địa phương này sẽ trở thành tỉnh giáp nhiều tỉnh, thành nhất thay vì Hà Nội trước đây và còn mở ra hàng loạt cơ hội đầu tư nhờ hạ tầng liên vùng và quỹ đất rộng lớn.
Khi Nghị quyết 60 về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam đang đến gần giai đoạn hoàn thiện, một bức tranh địa chính trị - kinh tế hoàn toàn mới đang hình thành trên bản đồ miền Bắc. Tâm điểm của sự thay đổi đó chính là Phú Thọ, địa phương hứa hẹn sẽ trở thành “siêu tỉnh” mới khi hợp nhất với Hòa Bình và Vĩnh Phúc.
Với diện tích tự nhiên hơn 9.361km2 và dân số hơn 4 triệu người, tỉnh Phú Thọ mới không chỉ là một thực thể hành chính lớn mạnh mà còn là tỉnh giáp nhiều địa phương nhất cả nước — tiếp giáp trực tiếp với 7 tỉnh thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa và Ninh Bình.
Hiện nay Hà Nội đang giữ ngôi vương với việc giáp 8 tỉnh thành, dự kiến sau sáp nhập, Phú Thọ mới sẽ "soán ngôi" TP. Hà Nội. Nằm gọn giữa vành đai các tỉnh Tây Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Phú Thọ mới sẽ trở thành cửa ngõ chiến lược liên kết tam giác kinh tế Hà Nội – Lào Cai – Thanh Hóa, mở ra hàng loạt trục giao thông xuyên vùng.

Đặc biệt, với việc tiếp giáp Hà Nội – trung tâm chính trị, kinh tế lớn nhất cả nước, Phú Thọ mới được dự báo sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng giãn dân và dịch chuyển công nghiệp từ thủ đô. Các trục giao thông trọng yếu như cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Quốc lộ 32, Quốc lộ 70, sông Hồng, sông Đà… càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ thị trường bất động sản logistics , công nghiệp, thương mại và nhà ở.
Với quy mô 148 xã, phường và lực lượng lao động dồi dào hơn 4 triệu người, Phú Thọ mới đang nổi lên như ứng viên sáng giá cho các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp. Theo giới chuyên gia, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đang đổ về Việt Nam sẽ tìm đến những địa phương như Phú Thọ – nơi có quỹ đất rộng, chi phí thấp và vị trí kết nối lý tưởng.
Không dừng lại ở đó, thị trường bất động sản đô thị vệ tinh cũng đứng trước thời cơ bùng nổ. Với dân số lớn, hạ tầng giao thông liên vùng thuận tiện và chính sách hỗ trợ nhà ở cho cán bộ, công chức di dời từ Hòa Bình và Vĩnh Phúc, nhu cầu nhà ở, khu đô thị, dịch vụ thương mại tại Việt Trì, Hạ Hoà, Lâm Thao… chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Đặc biệt, thành phố Việt Trì – nơi đặt trụ sở Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ mới – được kỳ vọng trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, công nghiệp mới của khu vực phía Bắc.
Đề án sáp nhập không chỉ chú trọng yếu tố hành chính mà còn đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và cán bộ. Các chính sách hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở có thời hạn cho cán bộ, công chức từ Hòa Bình và Vĩnh Phúc khi chuyển công tác, nếu được HĐND tỉnh mới thông qua, sẽ là bảo chứng an cư cho lực lượng lao động chất lượng cao. Song song đó, lộ trình tinh giản biên chế trong 5 năm tới gắn với nâng cao hiệu quả công vụ và tái cơ cấu bộ máy, hứa hẹn tạo nên môi trường quản lý minh bạch, thông suốt.
Đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đang được hoàn thiện để báo cáo Trung ương. Nếu được thông qua, Phú Thọ mới sẽ chính thức trở thành “siêu tỉnh” liên vùng với hàng loạt cơ hội đầu tư chưa từng có.
Trong khi thị trường bất động sản các đô thị lớn đang dần bão hoà và chi phí leo thang, Phú Thọ mới nổi lên như điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn dịch chuyển nhờ vị trí địa lý “vàng”, quỹ đất rộng, dân số lớn và chính sách mở cửa. Từ một vùng đất Tổ thiêng liêng, Phú Thọ đang vươn mình thành “trái tim liên kết” mới của miền Bắc Việt Nam – nơi hội tụ đủ tiềm năng để bùng nổ trong kỷ nguyên mới của đất nước.
> > Huyện đảo cực Đông Bắc Tổ quốc sẽ khai thác du lịch tại hàng loạt đảo nhỏ