Bất động sản

Thành cổ duy nhất ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay sắp được lên đời

Nguyễn Thảo 03/05/2025 16:00

Nằm ngay trung tâm Biên Hòa, trên trục đường Phan Chu Trinh hướng ra sông Đồng Nai, Thành cổ Biên Hòa (hay còn gọi là Thành Kèn) là di tích quân sự hiếm hoi còn sót lại của Nam Bộ sau hàng thế kỷ thăng trầm. Công trình này không chỉ lưu giữ dấu ấn lịch sử quan trọng mà nay còn sắp được hồi sinh thành không gian sinh hoạt cộng đồng hiện đại, kết nối di sản với nhịp sống đô thị.

Hơn 600 năm lịch sử, chứng nhân của vùng đất phương Nam

Theo ghi chép lịch sử, vùng đất Thành Biên Hòa ngày nay từng là địa bàn của Chân Lạp từ thế kỷ 14-15. Đến năm 1834, dưới triều vua Minh Mạng, tòa thành được chính thức xây dựng lại bằng đất, gạch và đá ong, đặt tên là Thành Cựu. Chỉ ba năm sau, vào năm 1837, công trình tiếp tục được mở rộng và kiên cố hóa theo kiểu Vauban – một phong cách phòng thủ phổ biến của châu Âu lúc bấy giờ – rồi đổi tên thành Thành Biên Hòa.

Không chỉ là trung tâm chính trị – quân sự của triều Nguyễn ở địa phương, tòa thành còn nắm giữ vai trò chiến lược quan trọng trong việc kiểm soát khu vực Nam Bộ. Chính vì vậy, năm 1861, thực dân Pháp đã tập trung binh lực tấn công và chiếm giữ nơi này. Dưới tay người Pháp, diện tích thành bị thu hẹp chỉ còn 1/8 so với ban đầu, và được chuyển đổi thành các cơ sở an ninh, quân sự. Từ đó đến nay, Thành Biên Hòa tiếp tục trải qua nhiều biến động: nằm dưới sự kiểm soát của Nhật năm 1944, trở thành trại gia binh của Pháp sau Thế chiến II, rồi được quân đội Mỹ sử dụng trong giai đoạn 1954-1975. Sau năm 1975, tòa thành được chính quyền mới tiếp quản.

> > Từ bây giờ, những trường hợp này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân khi sang tên sổ đỏ

Thành cổ duy nhất ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay sắp được lên đời- Ảnh 1.
Di tích Thành cổ Biên Hòa. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Được xem là công trình kiến trúc quân sự lớn thứ hai tại Nam Bộ, chỉ sau thành Gia Định, Thành cổ Biên Hòa hiện là tòa thành cổ duy nhất ở khu vực này còn tồn tại đến ngày nay. Năm 2013, công trình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Một năm sau, năm 2014, thành được trùng tu nhằm bảo tồn những giá trị kiến trúc – lịch sử còn sót lại.

Hướng tới quảng trường sinh hoạt cộng đồng

Dù sở hữu bề dày lịch sử ấn tượng, suốt nhiều năm qua, khu vực Thành cổ Biên Hòa – hiện chỉ còn khoảng 1ha – vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng của mình trong không gian đô thị đang phát triển nhanh chóng. Trong khi đó, thành phố Biên Hòa hiện vẫn thiếu hụt nghiêm trọng các thiết chế văn hóa như quảng trường, công viên lớn, sân vận động, không gian sinh hoạt công cộng...

Theo Báo Đồng Nai, nhận thức rõ thực tế này, từ tháng 9/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án chỉnh trang, thiết lập quảng trường Thành cổ Biên Hòa. Theo phương án được các bên thống nhất, dự án sẽ tập trung vào việc mở rộng không gian trước khu vực thành bằng cách tháo dỡ dãy nhà 2 tầng, hàng rào bê tông cốt thép và các công trình không liên quan dọc đường Phan Chu Trinh. Điều này sẽ tạo ra một trục kết nối cảnh quan từ sông Đồng Nai thẳng vào khu vực thành, đồng thời giúp mở rộng tầm nhìn, tăng tính hấp dẫn cho không gian công cộng.

Bên trong khuôn viên thành, phương án đề xuất cũng sẽ cải tạo lại cảnh quan với việc thiết kế công viên, xây dựng bãi đậu xe, khu vực trồng cây xanh, lắp đặt cột cờ, hệ thống chiếu sáng, bố trí sân chơi, ghế đá và các thiết bị luyện tập thể thao cho người dân. Tất cả nhằm mục tiêu tạo dựng không gian mở, dễ tiếp cận, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng.

Thành cổ duy nhất ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay sắp được lên đời- Ảnh 2.
Bên trong khuôn viên thành sẽ cải tạo lại cảnh quan với việc thiết kế công viên, xây dựng bãi đậu xe, khu vực trồng cây xanh, lắp đặt cột cờ, hệ thống chiếu sáng, bố trí sân chơi, ghế đá và các thiết bị luyện tập thể thao cho người dân. Ảnh: Báo Đồng Nai

Quan trọng nhất, toàn bộ dự án sẽ đảm bảo bảo tồn tuyệt đối 4 di tích gốc đã được công nhận thuộc khu vực Thành cổ Biên Hòa. Những giá trị lịch sử vẫn sẽ được giữ nguyên vẹn, trong khi không gian xung quanh được làm mới để phát huy thêm giá trị của di tích.

Từ điểm nhấn lịch sử đến nhịp sống hiện đại

Đầu tháng 12/2024, thành phố Biên Hòa đã hoàn tất việc tháo dỡ các công trình lấn chiếm phía trước thành, từng là địa điểm bán vật liệu xây dựng, và cải tạo thành một hoa viên nhỏ. Hiện tại, thành phố đang xúc tiến các thủ tục di dời tài sản còn lại của Hợp tác xã Quang Vinh để tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án.

Theo ông Nguyễn Duy Tân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, trước mắt thành phố có thể tiến hành ngay việc cải tạo lại khuôn viên bên trong thành, như làm lối đi, lắp đặt thiết bị tập thể dục, ghế đá, đèn trang trí… phục vụ người dân. Đồng thời, về lâu dài, mục tiêu là hình thành một quảng trường quy mô, không gian sinh hoạt cộng đồng đáp ứng nhu cầu cư dân đô thị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cũng nhấn mạnh rằng Biên Hòa đang rất thiếu các không gian công cộng chất lượng cho cư dân. Việc chỉnh trang, thiết lập quảng trường Thành cổ Biên Hòa vừa bảo tồn giá trị lịch sử, vừa giải quyết bài toán thiếu hụt không gian sinh hoạt. Dự án không chỉ phục vụ cộng đồng, mà còn góp phần định hình một điểm nhấn đặc biệt trong đô thị Biên Hòa – nơi quá khứ và hiện tại gặp nhau.

Nếu phương án được triển khai đúng tiến độ và đúng mục tiêu, quảng trường Thành cổ Biên Hòa sẽ không chỉ là một công trình chỉnh trang đơn thuần. Đó còn là không gian cho các sự kiện văn hóa, lễ hội, hoạt động cộng đồng… qua đó giúp người dân hiểu hơn, trân trọng hơn di sản của chính quê hương mình.

Sự "lên đời" của Thành cổ Biên Hòa – di tích quân sự duy nhất còn tồn tại ở Nam Bộ – không chỉ là câu chuyện bảo tồn di sản. Đó còn là hành trình làm sống lại một vùng ký ức, đồng thời kiến tạo một không gian mới cho đô thị hiện đại đang từng ngày đổi thay.

> > Từ bây giờ, người dân cho thuê đất không có sổ đỏ sẽ bị phạt rất nặng

Công trình hơn 130 năm vẫn lọt top kiến trúc đẹp nhất thế giới, biểu tượng vĩnh cửu của ký ức Sài Gòn

Việt Nam sắp có thêm sân vận động và công trình thể thao mới rộng gần 30ha, nằm tại tỉnh miền núi giáp Trung Quốc

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/thanh-co-duy-nhat-o-nam-bo-con-ton-tai-den-ngay-nay-sap-duoc-len-doi-202250503133234281.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thành cổ duy nhất ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay sắp được lên đời
    POWERED BY ONECMS & INTECH