Thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất Việt Nam sẽ trở thành địa phương đầu tiên sở hữu hai sân bay quốc tế sau sáp nhập
Sau sáp nhập, thành phố mới có tổng diện tích 11.867,25km2, dân số trên 3 triệu người trở thành địa phương có quy mô lãnh thổ lớn nhất trong nhóm 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Việt Nam hiện có 23 sân bay đang hoạt động, bao gồm 12 sân bay quốc tế và 11 sân bay nội địa, theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải.
Trong số này, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang sở hữu hai cảng hàng không dân dụng là Sân bay Quốc tế Đà Nẵng và Sân bay Chu Lai.
> > Từ bây giờ, những trường hợp này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân khi sang tên sổ đỏ

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng hiện là một trong ba sân bay nhộn nhịp nhất cả nước, bên cạnh Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Với vị trí chiến lược cùng hạ tầng hiện đại, sân bay này phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm, kết nối trực tiếp với các đô thị lớn như Singapore, Seoul, Bangkok hay Tokyo. Đây không chỉ là cửa ngõ hàng không quan trọng của miền Trung mà còn là động lực thúc đẩy du lịch và thương mại khu vực.
Trong khi đó, Sân bay Chu Lai nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trước thời điểm sáp nhập, đang được quy hoạch nâng cấp thành sân bay quốc tế theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Văn Dũng cho biết, địa phương đang hoàn thiện hồ sơ kêu gọi đầu tư để nâng cấp sân bay Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế, định hướng phát triển thành một hệ sinh thái kinh tế - đô thị sân bay. UBND tỉnh cũng đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, tỉnh Quảng Nam đã trình Đề án xã hội hóa đầu tư và khai thác Cảng hàng không Chu Lai. Theo đề xuất, dự án sẽ xây dựng thêm một đường cất - hạ cánh mới cùng hệ thống nhà ga hiện đại, nâng công suất lên khoảng 10 triệu hành khách/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.
Được biết, theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính, TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ tỉnh Quảng Nam (gồm 88 xã, phường) và TP. Đà Nẵng hiện hữu (19 xã, phường và khu vực đặc khu).
Sau sáp nhập, thành phố mới có tổng diện tích 11.867,25km2, dân số trên 3 triệu người trở thành địa phương có quy mô lãnh thổ lớn nhất trong nhóm 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Trung tâm hành chính - chính trị sẽ đặt tại khu vực Đà Nẵng hiện nay. Về địa lý, thành phố sau sáp nhập giáp Thừa Thiên Huế ở phía Bắc, Quảng Ngãi ở phía Nam, Lào ở phía Tây và Biển Đông ở phía Đông.
Với hai sân bay dân dụng, trong đó một đang khai thác quốc tế và một đang được quy hoạch nâng cấp, Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ trở thành khu vực hiếm hoi sở hữu hệ thống hàng không kép hiện đại.
Hiện tại, một số địa phương khác cũng có hai sân bay dân dụng như TP. HCM (Tân Sơn Nhất và Côn Đảo), Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa), An Giang (Phú Quốc và Rạch Giá), Gia Lai (Phù Cát và Pleiku). Tuy nhiên, phần lớn các sân bay thứ hai tại các địa phương này chỉ phục vụ nội địa và chưa có kế hoạch nâng cấp thành quốc tế trong tương lai gần.
Cụ thể, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và Phù Cát là sân bay quốc tế, trong khi Côn Đảo, Rạch Giá, Pleiku, Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa đều chỉ có quy mô nội địa, phục vụ số lượng chuyến bay hạn chế.
> > Chỉ 2 tháng nữa, Việt Nam sẽ thành lập 11 đặc khu hành chính