Bất động sản

Nên có ưu đãi cho công chức được mua nhà, đất gần nơi làm việc sau sáp nhập

Nguyễn Thảo 03/05/2025 09:30

TS Nguyễn Văn Pha đề xuất các tỉnh nên nghiên cứu và có cơ chế cụ thể bằng luật để cán bộ, công chức ở xa có những ưu đãi trong việc mua nhà, đất gần trung tâm hành chính.

Cùng với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp khai mạc ngày 5/5, Bộ Nội vụ đã gửi kèm bản đề xuất một số nội dung liên quan tới chế độ, hình thức làm việc của cán bộ, công chức trong thời gian tới.

Theo quan điểm của Bộ Nội vụ, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển và ngày càng được áp dụng hiệu quả ở khu vực công, có thể xem xét cho một số đối tượng công chức được làm việc từ xa, ví dụ những người có con nhỏ, bố mẹ già yếu, những người không làm công việc tiếp dân… Thay vì quản lý thời gian làm việc, công chức sẽ được quản lý bằng hiệu quả công việc.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sáp nhập tỉnh, thành và tinh gọn bộ máy. Sau khi sáp nhập, trung tâm hành chính nằm ở tỉnh này khiến các cán bộ, công chức ở tỉnh kia gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Có những người phải đi tới 60-70km, thậm chí 100km.

Vì thế, đề xuất của Bộ Nội vụ được đánh giá là sát với tình hình thực tiễn thời gian tới. Tuy nhiên, đề xuất mới mẻ và táo bạo này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ở các doanh nghiệp tư nhân, làm việc từ xa cũng có nơi làm được, nơi không, vậy thì cơ quan nhà nước liệu có thể thực hiện được hay không?

'Không cớ gì cứ bắt phải ngồi hết một góc'

Nhận xét về đề xuất này, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thẳng thắn cho rằng, với bối cảnh xã hội số hóa ngày nay, làm việc từ xa là một việc "rất tốt, rất hiệu quả".

W-A58I6398.jpg
Bộ Nội vụ đề xuất một số đối tượng có thể làm việc từ xa. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Ông lấy dẫn chứng các hội nghị toàn quốc mà Ban Bí thư đã tổ chức với vài chục nghìn điểm cầu, hàng trăm nghìn người tham dự. Ông cho rằng, không có lý do gì để phản đối đề xuất này, ngược lại cần khuyến khích, cổ vũ.

“Ngày trước, một sự kiện như thế phải có đến nhiều nghìn cuộc hội nghị, mất mấy năm trời, đi tới đi lui, tốn kém vô số kể. Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng hình thức này. Không cớ gì cứ bắt cán bộ phải tập trung hết về một góc để ngồi cạnh nhau, tốn kém nhiều thứ”, ông nói.

“Tất nhiên vẫn có những vị trí đặc thù đòi hỏi yêu cầu cụ thể về tác nghiệp, về bảo mật… thì cần quy định riêng. Việc đó không khó xác định. Mỗi ngành, mỗi đơn vị họ biết cả đấy! Họ sẽ quy định ai và khi nào phải tập trung, còn lại phổ biến đại trà thì có thể làm việc trực tuyến”.

Mỗi tuần một chuyến xe - đầu tuần đi, cuối tuần về

Đề xuất làm việc từ xa của Bộ Nội vụ khiến TS Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhớ lại thời kỳ tỉnh Hà Nam Ninh quê ông được chia tách. Ngày ấy, để giải quyết việc đi làm xa của cán bộ, công chức, cơ quan đã bố trí mỗi tuần một chuyến xe, đầu tuần đi, cuối tuần về.

nguyen van pha.jpg
TS Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: MTTQ

Ông cho rằng, ngày nay, với khoảng cách 20-30km, hoàn toàn có thể làm theo cách này. Nhưng với khoảng cách từ 70-100km thì e rằng đi, về trong ngày tốn kém thời gian và sức lực. Nếu cả tuần mới được về nhà một lần thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống gia đình của công chức.

Tôi tin tưởng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện là một bước đi đúng đắn, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao. Với những thay đổi tới đây, khu vực công sẽ thu hút được những người giỏi. Ngày xưa nhiều người làm một việc, bây giờ một người phải làm nhiều việc. Nếu không giỏi chắc chắn không làm được. Đây cũng là cơ hội rất tốt để chúng ta lựa chọn những lãnh đạo thực sự có năng lực. TS Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tuy nhiên, làm việc từ xa là phương án chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn (1-2 năm) trong lúc đợi ổn định về hạ tầng. “Trước mắt, khi các tỉnh chưa lo được chỗ ăn ở cho công chức, có thể chấp nhận làm việc từ xa nhưng về lâu dài thì không nên", TS Pha cho hay.

Ông cho rằng, làm việc từ xa chỉ nên áp dụng với những vị trí việc làm liên quan đến công nghệ, khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm, kết quả có thể định lượng, đo đếm được. Các công việc khác trong hệ thống chính trị sẽ không khả thi.

Về lâu dài, TS Pha đề xuất các tỉnh nên nghiên cứu và có cơ chế cụ thể bằng luật để cán bộ, công chức ở xa có những ưu đãi trong việc mua nhà, đất gần trung tâm hành chính. “Có an cư lạc nghiệp, công chức mới có thể yên tâm làm việc, cống hiến”, ông nói.

Về phương án nhà ở công vụ, ông cho rằng không nên làm tràn lan. Bởi vì ai cũng có gia đình riêng. Nhà ở công vụ không thể đáp ứng được nhu cầu của một gia đình về lâu dài. Ông gợi ý, nếu trước mắt chưa thể giải quyết ngay vấn đề nhà ở cho cán bộ, công chức, thì có thể hỗ trợ chi phí đi lại cho cán bộ đi làm xa.

>> Bộ Nội vụ: Cán bộ có đơn tự nguyện xin nghỉ cũng phải đánh giá, rà soát

Chính thức từ 4/5, một khoản phụ cấp sẽ được tăng lên, cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt lưu ý

Chủ tịch xã có quyền tuyển dụng, điều động, miễn nhiệm, cách chức cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nen-uu-dai-cho-cong-chuc-duoc-mua-nha-mua-dat-gan-noi-lam-viec-sau-sap-nhap-2395225.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nên có ưu đãi cho công chức được mua nhà, đất gần nơi làm việc sau sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH