Theo Fortune, chợ đồ cũ Facebook Marketplace không chỉ là nơi đáng tin cậy cho thị trường đồ cũ ở Mỹ mà còn là đối thủ đáng gờm của các trang thương mại điện tử truyền thống.
Tính đến cuối năm 2023, Facebook  đã có 3,07 tỷ người dùng hoạt động tích cực hàng tháng (MAU), tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, có tới 40% (tương đương 1,2 tỷ người) thường xuyên mua sắm trên Marketplace, theo báo cáo tháng 3/2024 của Capital One Shopping.
Con số này nhiều gấp 4 lần so với 310 triệu người của Amazon  - trang thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Mỹ do tỷ phú Jeff Bezos sáng lập.
Thị trường đồ cũ trực tuyến của Meta (công ty mẹ Facebook) đang thách thức những gã khổng lồ trong ngành. Ảnh: Fortune |
Dựa trên báo cáo của Statista năm 2022, Marketplace là nền tảng mua bán đồ cũ phổ biến thứ 2 sau Ebay.
Phó giáo sư Charles Lindsey tại Trường Đại học Buffalo, bình luận: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong 3-5 năm nữa, Marketplace vượt qua được Ebay”.
Từ khu chợ đồ cũ online đến gã khổng lồ thương mại điện tử
Ông Lindsey lập luận rằng sự tăng trưởng vượt bậc của Marketplace phần lớn là nhờ nền tảng này dễ sử dụng và được liên kết với Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Giáo sư nói: “Marketplace tạo được niềm tin với người dùng vì nó gắn với Facebook. Nền tảng có giao diện dễ sử dụng và được tích hợp với Messenger nên rất dễ chuyển qua lại giữa các ứng dụng”.
Ra mắt vào năm 2016, mục đích ban đầu của Marketplace là tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán hàng giữa một nhóm nhỏ người dùng Facebook, thường là những mặt hàng đã qua sử dụng với mức giá hợp lý.
Nhưng Marketplace đã nhanh chóng phát triển thành một nền tảng thương mại điện tử đáng gờm, được1/3 người dùng Facebook ở Mỹ sử dụng vào năm 2018.
Trong đại dịch, Marketplace càng bùng nổ khi mọi người dần phụ thuộc vào mua hàng trên mạng do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến việc vận chuyển trở nên chậm chạp, gây bất tiện cho hoạt động mua sắm truyền thống.
Sự tăng trưởng vượt bậc của Marketplace chủ yếu là do nền tảng này dễ sử dụng và được liên kết với Facebook. Ảnh: Fortune |
Deb Liu, người sáng lập và phó Chủ tịch Marketplace lúc bấy giờ, nói rằng: “Chúng tôi đang chứng kiến vô số đối tượng, từ nghệ nhân thủ công cho đến đại lý bán ô tô, đang giao dịch trên nền tảng này”.
Marketplace không chỉ là nơi lý tưởng cho những người mua sắm tiết kiệm mà còn trở thành kênh bán hàng độc đáo những doanh nghiệp nhỏ.
Được biết xưởng nội thất Beautiful Fight Woodworking kiếm được 168.000 USD trên tổng doanh thu 266.000 USD vào năm 2020 chỉ thông qua việc bán hàng trên Marketplace.
Nơi yêu thích mới của Gen Z
Nhờ sự phát triển của mình, Marketplace vẫn có sức hút đối với thế hệ thanh niên trẻ tại Mỹ, vốn đang dần quay lưng lại với Facebook.
Dre Vez là một nhà sáng tạo nội dung 25 tuổi. Anh thường dành khoảng 6 đến 12 tiếng/ngày trên Marketplace để kiếm sống dù đã có tài khoản TikTok với 755.000 người theo dõi.
Vez nhận thấy Marketplace không chỉ là nơi cung cấp các video giải trí mà còn là một mạng xã hội truyền thông thực sự dành cho gen Z vì nó có nhịp độ nhanh và tính kích thích cao.
Mức độ phổ biến của Facebook đối với thanh thiếu niên đã giảm dần sau sự trỗi dậy của TikTok. Dù vậy, mạng xã hội này hiện vẫn có hơn 40 triệu người dùng trẻ từ 18 đến 29 tuổi ở Mỹ và Canada, mức cao nhất trong 3 năm qua.
Trong đó, cứ 4 người thì có 1 người sử dụng Marketplace.
Marketpkace của Mark Zuckerberg đang thách thức ngôi vua TMĐT của Amazon. Ảnh: Fortune |
Giáo sư Lindsey nhận định: “Nhìn chung, một người càng dùng nhiều Marketplace thì họ càng có khả năng đăng nhập vào Facebook nhiều lần mỗi tháng”.
Marketplace không cần hệ thống phức tạp để quản lý các giao dịch địa phương. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là nền tảng này có thể không kiếm được nhiều lợi nhuận bằng các đối thủ thương mại điện tử khác.
Nhà phân tích ngành bán lẻ Sucharita Kodali cho rằng lợi ích tài chính của Marketplace là giúp Facebook hiển thị quảng cáo phù hợp hơn đến người dùng.
Theo bà, Marketplace có thể không thu về hàng tỷ USD cho Meta, nhưng nền tảng này chính là yếu tố quan trọng khiến người dùng quay lại Facebook.