Câu chuyện đầu tư

Masan High-Tech Materials (MSR) và cơ hội nhìn từ việc Trung Quốc siết xuất khẩu Tungsten

Thu Huyền 18/02/2025 - 17:29

Việc Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu Tungsten có thể tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc Mỹ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, mở ra cơ hội cho các quốc gia khác như Việt Nam.

Ngày 4/2/2025, Trung Quốc công bố lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với 5 loại kim loại quan trọng, được sử dụng trong ngành quốc phòng, năng lượng sạch và các ngành công nghiệp trọng yếu. Động thái này diễn ra chỉ vài phút sau khi mức thuế bổ sung 10% do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Trong số các kim loại bị kiểm soát, Tungsten là nguyên tố quan trọng, với 8 loại sản phẩm sản xuất từ kim loại này bị hạn chế.

Tungsten là gì?

Tungsten được xác định là một nguyên tố mới vào năm 1781 và lần đầu tiên được phân lập như một kim loại vào năm 1783. Đây là kim loại có nhiệt độ nóng chảy cao nhất (3.422 độ C), độ giãn nở nhiệt thấp nhất, độ cứng cơ học rất cao và áp suất hơi rất thấp. Nhờ những đặc tính này, Tungsten được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất các thiết bị chịu nhiệt cao như lò điện, lò vi sóng, vòi phun động cơ tên lửa, ống tia X, màn hình CRT và dây tóc bóng đèn sợi đốt.

Masan High-Tech Materials (MSR) và cơ hội nhìn từ việc Trung Quốc siết xuất khẩu Tungsten
Nguồn: VDSC

Ngoài ra, Tungsten còn được sử dụng trong lĩnh vực quân sự để sản xuất vũ khí, cũng như trong các ngành công nghiệp quan trọng như dầu khí, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ, nhờ tính dẫn điện và độ bền hóa học cao. Hiện nay, ngành ô tô, khai khoáng, năng lượng, hàng không vũ trụ và quốc phòng là những lĩnh vực tiêu thụ lớn nhất nguyên liệu này.

Ai sẽ hưởng lợi từ lệnh kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc?

Trung Quốc hiện là quốc gia khai thác và nhập khẩu quặng Tungsten lớn nhất thế giới, đồng thời là thị trường tiêu thụ Tungsten trung nguồn lớn nhất. Việc nước này hạn chế xuất khẩu có thể tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là Mỹ - quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu Tungsten trung nguồn (APT, oxit Tungsten) để sản xuất sản phẩm ứng dụng, thay vì nhập thẳng quặng sơ cấp để luyện.

Masan High-Tech Materials (MSR) và cơ hội nhìn từ việc Trung Quốc siết xuất khẩu Tungsten
Trung Quốc hiện là quốc gia khai thác và nhập khẩu quặng Tungsten lớn nhất thế giới

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những chuyển động thương mại sắp tới của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến giá Tungsten toàn cầu, với 3 kịch bản có thể xảy ra:

- Chuyển hướng nhập khẩu Tungsten trung nguồn từ Trung Quốc sang một quốc gia thứ 3: Mỹ có thể tìm cách nhập khẩu thông qua một nước trung gian nhằm tiếp tục sử dụng Tungsten Trung Quốc mà không vi phạm lệnh kiểm soát. Kịch bản này có khả năng cao nhất và sẽ đẩy giá Tungsten tăng trong ngắn hạn.

- Tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia ngoài Trung Quốc, bao gồm Việt Nam: Đây là một lựa chọn khả thi nhưng khó đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của Mỹ, do nguồn cung Tungsten trung nguồn ngoài Trung Quốc vẫn còn hạn chế.

- Tự chủ chuỗi cung ứng bằng cách khai thác các mỏ quặng mới: Mỹ có thể tìm kiếm các mỏ quặng Tungsten tiềm năng trong nước hoặc tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi thời gian dài và khó có thể thực hiện ngay lập tức.

Masan High-Tech Materials (MSR) và cơ hội nhìn từ việc Trung Quốc siết xuất khẩu Tungsten
Nguồn: VDSC

Masan High - Tech Materials (MSR) sẽ được hưởng lợi?

Theo VDSC, giá các sản phẩm Tungsten có thể tăng trong ngắn hạn do tác động từ chính sách mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, mức hưởng lợi của Masan High - Tech Materials (UPCoM: MSR) – một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác và sản xuất Tungsten tại Việt Nam có thể không quá lớn.

Nguyên nhân là do MSR đã thanh lý khoản đầu tư vào H.C. Starck, một công ty chuyên tinh luyện các sản phẩm Tungsten trung/hạ nguồn như bột Cacbua Vonfram. Đây mới chính là những sản phẩm có thể hưởng lợi trực tiếp từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thay vì quặng Tungsten thượng nguồn mà MSR đang khai thác.

Tóm lại, việc Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu Tungsten có thể tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá Tungsten lên cao trong ngắn hạn. Mỹ sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, mở ra cơ hội cho các quốc gia khác như Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của từng doanh nghiệp sẽ còn phụ thuộc vào vị thế trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp này.

>> Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước sang giai đoạn mới: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam?

Mỹ áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu mở ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam

Doanh nghiệp thép Việt Nam đón tin vui trước lệnh áp thuế 25% từ Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/masan-high-tech-materials-msr-va-co-hoi-nhin-tu-viec-trung-quoc-siet-xuat-khau-tungsten-277140.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Masan High-Tech Materials (MSR) và cơ hội nhìn từ việc Trung Quốc siết xuất khẩu Tungsten
    POWERED BY ONECMS & INTECH