Mexico công bố áp thuế CBPG kỷ lục 36,23% lên thép dây Việt Nam, một đơn vị bị nêu tên
Thị phần của các nhà sản xuất Mexico đã suy giảm những năm gần đây, trong khi sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam lại gia tăng đáng kể, chiếm 18,6% thị phần vào năm 2023.
Ngày 23/12, Mexico quyết định áp mức thuế 36,23% đối với sản phẩm dây thép hàn nhập khẩu từ Việt Nam, đánh dấu động thái cứng rắn của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép nội địa.
Bộ Kinh tế Mexico cho biết họ đã mở cuộc điều tra vào cuối năm 2023, sau khi các doanh nghiệp nội địa Electrodos Infra SA de CV và Plásticos y Alambres SA de CV khiếu nại rằng sản phẩm dây thép Việt Nam được nhập khẩu với mức giá không công bằng, đe dọa tính bền vững dài hạn của ngành sản xuất dây thép trong nước.
Mexico công bố áp thuế CBPG lên thép dây Việt Nam |
Thông báo chính thức nêu tên Tập đoàn Kim Tín là một trong những bên tham gia định giá bất hợp lý. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của Bộ Kinh tế áp dụng mức thuế 36,23% chung cho mọi nhà xuất khẩu Việt Nam, thay vì chỉ tập trung vào một công ty duy nhất.
Theo lập luận của Chính phủ Mexico, thị phần của các nhà sản xuất trong nước đã suy giảm trong những năm gần đây, trong khi hàng nhập khẩu Việt Nam tăng hơn 10 điểm phần trăm, đạt 18,6% thị phần vào năm 2023. Mức thuế mới sẽ có hiệu lực ít nhất 5 năm và có thể gia hạn nếu các lần rà soát sau đó cho thấy cần tiếp tục bảo vệ lợi ích địa phương. Tổng thống Claudia Sheinbaum đã tái khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy sản xuất nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp bản địa duy trì sức cạnh tranh và đảm bảo nguồn việc làm ổn định cho người lao động.
Lập trường cứng rắn của Mexico đối với thép nhập khẩu từ châu Á, đặc biệt là từ Việt Nam, không phải là động thái riêng lẻ. Trước đây, quốc gia này từng tăng thuế lên mức 80% đối với một số sản phẩm thép nhằm bảo vệ các nhà máy trong nước trước điều họ cho là thép giá rẻ không hợp lý.
Ternium, một tên tuổi lớn trong ngành thép Mexico, từng phàn nàn về việc thép nước ngoài được bán với giá thấp, gây khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa. Chính phủ Mexico đã tổ chức một cuộc điều tra quy mô lớn để xác định xem hàng nhập khẩu châu Á có thực sự cản trở hoạt động của các nhà máy thép Mexico và liệu chênh lệch giá có đủ lớn để cấu thành hành vi “bán phá giá” hay không.
Trong phạm vi hành động rộng hơn nhằm kiểm soát nhập khẩu thép, một số loại thép tấm cán nguội từ Việt Nam cũng phải chịu thuế bổ sung. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu có thể xin miễn thuế nếu chứng minh rằng nguồn nguyên liệu thép không đến từ Trung Quốc.
Trong thông báo chính thức, Bộ Kinh tế Mexico nhấn mạnh mong muốn phân biệt rạch ròi giữa các chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, Tập đoàn Hòa Phát  – nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam chịu thuế khoảng 12%, còn Posco Việt Nam chịu mức thuế 26%. Cả 2 đều đủ điều kiện được miễn thuế nếu chứng minh nguyên liệu gốc không liên quan đến thép Trung Quốc.
Hòa Phát bắt đầu xuất khẩu thép sang Mexico từ năm 2022
Tháng 7/2022, Hòa Phát đã ký kết hợp đồng xuất khẩu lô hàng 8.000 tấn thép thanh vằn sang Mexico. Đây là đơn hàng đầu tiên xuất sang quốc gia khu vực Bắc Mỹ này, tạo đà mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thép xây dựng Hòa Phát.
Theo đại diện Công ty Thép Hòa Phát Hưng Yên, lô hàng thép thanh vằn có mác thép ASTM, được sản xuất theo tiêu chuẩn ASTM của Mỹ. Đây là loại thép cốt bê tông thường dùng để xây dựng các công trình. Thời gian giao hàng dự kiến diễn ra vào tháng 8/2022, xuất phát từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương.
Hòa Phát lần đầu xuất khẩu thép xây dựng sang Mexico |
Với dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, khép kín, Hòa Phát cung cấp đa dạng các mác thép. Các sản phẩm thép của Hòa Phát đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới.
>> Gỡ rào cản cho dự án ‘cú đấm thép’ 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG)
Xuất khẩu HRC của Việt Nam giảm 3 tháng liên tiếp, lãnh đạo Hòa Phát (HPG) nói gì? 
Hòa Phát (HPG) tung loạt sản phẩm mới, hướng tới mục tiêu tỷ đô trong mảng điện máy gia dụng