Một loạt CEO kêu gọi áp dụng 'Châu Âu trên hết', gấp rút đối phó với làn sóng AI từ Mỹ và Trung Quốc
Châu Âu đứng trước ngã rẽ trong cuộc chiến công nghệ: đối chọi với Big Tech hay tiếp tục chấp nhận sự phụ thuộc vào Mỹ sau chiến thắng của ông Donald Trump.
Giới lãnh đạo công nghệ châu Âu đang kêu gọi các quốc gia trong khu vực có biện pháp quyết liệt hơn nhằm kiểm soát sự độc quyền của các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.
Đồng thời, các tập đoàn châu Âu cũng muốn giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI) sau chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump.
Tại hội nghị công nghệ Web Summit đang diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha), chiến thắng của ứng viên Đảng Cộng hòa đã trở thành tâm điểm thảo luận. Các nhà điều hành doanh nghiệp công nghệ bày tỏ quan ngại về tính khó lường trong chính sách của tân Tổng thống Mỹ, coi đây là thách thức lớn nhất hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị, CEO Andy Yen của công ty phát triển VPN Proton (Thụy Sĩ) cho rằng châu Âu cần học hỏi chính sách bảo hộ của Mỹ, áp dụng chiến lược "Châu Âu trên hết ". Theo ông, động thái này nhằm đảo ngược xu hướng độc quyền công nghệ của các tập đoàn Mỹ trong hai thập kỷ qua, từ trình duyệt web đến điện thoại thông minh.
"Đã đến lúc châu Âu phải hành động quyết liệt và táo bạo hơn," ông Yen nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với CNBC bên lề hội nghị. "Khi Mỹ theo đuổi chính sách 'Nước Mỹ trên hết', các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cần đặt lợi ích khu vực lên hàng đầu".
Đáng chú ý, Proton chính là công ty cung cấp dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) - công nghệ cho phép mã hóa dữ liệu và che giấu địa chỉ IP của người dùng, giúp ẩn hoạt động duyệt web và vượt qua kiểm duyệt.
Trong thập kỷ qua, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường các biện pháp pháp lý và ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với các gã khổng lồ công nghệ như Google, Apple, Amazon, Microsoft và Meta . Các quy định này nhằm giải quyết vấn đề độc quyền và bảo vệ quyền lợi người dùng châu Âu.
Tuy nhiên, khi ông Trump tái đắc cử, giới quan sát lo ngại châu Âu có thể nới lỏng các quy định này để tránh đối đầu với chính quyền mới. Điều này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn của khu vực trong thời gian tới.
Châu Âu đang tụt hậu?
Giám đốc điều hành Proton kêu gọi EU duy trì các biện pháp kiểm soát gắt gao đối với các tập đoàn công nghệ Mỹ. Theo ông Andy Yen, trong khi châu Âu luôn theo đuổi nguyên tắc công bằng và mở cửa thị trường, các đối tác Mỹ và Trung Quốc lại không tuân thủ các nguyên tắc này.
"Châu Âu đã quá đề cao tinh thần toàn cầu hóa và công bằng. Thực tế cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đã không tuân thủ các nguyên tắc này trong 20 năm qua. Và giờ đây, họ có một Tổng thống theo đuổi triệt để chính sách 'Nước Mỹ trên hết'," CEO Proton nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với CNBC.
Mitchell Baker, cựu CEO Mozilla Foundation - tổ chức phi lợi nhuận về Internet mở của Mỹ - đánh giá tích cực về tác động của Đạo luật Thị trường Số (DMA) của EU. Bà cho biết Firefox đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể kể từ khi Google triển khai tính năng cho phép người dùng Android tự chọn công cụ tìm kiếm.
"Số lượng người dùng mới và thị phần của Firefox trên Android tăng rõ rệt. Điều này không chỉ có lợi cho chúng tôi mà còn cho thấy mức độ tập trung quyền lực của các công ty công nghệ lớn," bà Baker nhận định. Theo bà, sự thay đổi này tuy chưa phản ánh toàn cảnh nhưng đã chứng minh người tiêu dùng và doanh nghiệp đang bị hạn chế bởi cấu trúc hiện tại của ngành công nghệ.
Thomas Plantenga, CEO ứng dụng Vinted có trụ sở tại Litva, kêu gọi châu Âu có những bước đi chiến lược để tự bảo vệ và không bị tụt hậu. "Các quốc gia đang tìm cách tự củng cố và xây dựng liên minh để tăng cường sức mạnh. Với nguồn nhân lực  chất lượng cao, châu Âu cần đảm bảo an ninh, năng lượng và tiếp tục đầu tư vào giáo dục, đổi mới," ông nói với CNBC.
Ông Plantenga cảnh báo: "Nếu không hành động, chúng ta sẽ bị tụt hậu. Trong quan hệ hợp tác quốc tế, mọi thứ đều dựa trên trao đổi. Không có gì để trao đổi đồng nghĩa với việc trở nên yếu thế hơn.
"Chủ quyền AI"
Một chủ đề trong các chủ đề nóng tại Web Summit năm nay là vấn đề nội địa hóa hạ tầng điện toán AI nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa và giá trị của các quốc gia Châu Âu, hay nói ngắn gọn hơn: "Chủ quyền AI".
Hiện nay, Microsoft đang thống lĩnh thị trường AI toàn cầu với vị thế là nhà đầu tư chính của OpenAI - đơn vị phát triển ChatGPT. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự độc quyền trong lĩnh vực công nghệ mới đang nhận nhiều sự quan tâm và dòng vốn khổng lồ.
Động thái tăng phí Bing Search API của Microsoft năm ngoái đã tác động tiêu cực đến nhiều startup. "Microsoft đang thu hẹp không gian sinh tồn của chúng tôi", Christian Kroll, CEO Ecosia (công cụ tìm kiếm ra đời với mục tiêu bảo vệ môi trường) chia sẻ với CNBC.
Đáp lại, các startup châu Âu như Ecosia và Qwant đã hợp tác xây dựng chỉ mục tìm kiếm riêng, nhằm giảm phụ thuộc vào Big Tech Mỹ.
Chính thức có hiệu lực vào tháng 5/2024, đạo luật Trí tuệ Nhân tạo (AI) của Liên minh châu Âu (EU) là bộ quy định toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm điều chỉnh việc phát triển và sử dụng AI trong khu vực.
Động thái pháp lý  này của EU với các quy định nghiêm ngặt về minh bạch dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty công nghệ Mỹ, nhưng cũng tạo ra nhiều rào cản phát triển cho hệ sinh thái khởi nghiệp  trong ngành AI của khu vực.
Về triển vọng quản lý AI toàn cầu, Shelley McKinley, Giám đốc pháp lý GitHub, cho rằng doanh nghiệp cần chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau trong bối cảnh chính trị mới. "Chúng ta sẽ thấy rõ hơn về định hướng chính sách AI vào tháng 1 tới", bà nhận định tại cuộc thảo luận do CNBC tổ chức.
Theo CNBC