Cựu Giám đốc WTO kêu gọi siêu cường châu Á bắt tay EU để đối phó chính sách thuế quan của ông Trump
Cựu Giám đốc WTO Pascal Lamy đưa ra những nhận định về bản chất thương mại của Trung Quốc và Mỹ trước thềm nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.
Phát biểu tại Thượng Hải mới đây, ông Pascal Lamy, cựu giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giai đoạn 2005 -2013 - hiện là giáo sư danh dự tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - Châu Âu - nhận định chính sách của ông Trump sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới EU và nhiều đối tác thương mại khác của Mỹ trên toàn thế giới.
Ngay từ chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 60-100% với hàng hóa Trung Quốc và 10-20% đối với các mặt hàng nhập khẩu khác. Trước đó, năm 2018, Mỹ đã áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.
'80% các cường quốc thương mại có thể duy trì hoạt động thương mại và quyết định cách ứng phó với các động thái từ Washington', ông Lamy nhấn mạnh. Theo ông, Trung Quốc cần đối thoại với EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để thiết lập lập trường chung trong WTO chống lại chủ nghĩa bảo hộ  của Mỹ.
Cựu lãnh đạo WTO cho rằng vấn đề không nằm ở thương mại mà xuất phát từ nội tại nền kinh tế Mỹ  với mức tiêu dùng cao và tỷ lệ tiết kiệm thấp. 'Trái với quan điểm của ông Trump hay cựu Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, nguyên nhân chính là do người Mỹ tiêu dùng quá mức và tiết kiệm quá ít', ông nhận định.
Chính sách thương mại của chính quyền Mỹ sắp tới được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc - vốn đang đối mặt với nhiều thách thức như nhu cầu nội địa yếu, khủng hoảng bất động sản và nợ chính quyền địa phương.
Quan hệ thương mại EU - Trung Quốc
Trong bối cảnh quan hệ thương mại EU-Trung Quốc đang căng thẳng về vấn đề thuế xe điện, cựu Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy cho rằng đây chỉ là 'bất đồng có thể giải quyết' chứ không phải 'chiến tranh thương mại' như nhiều người lo ngại.
'Không có chuyện chiến tranh thương mại giữa hai bên. Đây chỉ là sự khác biệt trong đánh giá về mức độ trợ cấp xe điện của Trung Quốc', ông Lamy - nguyên Ủy viên Thương mại Châu Âu giai đoạn 1999-2004 nhận định. Theo ông, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết thông qua cơ chế của WTO, bao gồm tham vấn, đàm phán hoặc kiện tụng.
Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo châu Âu trong cuộc họp tại Budapest, Hungary đã tái khẳng định vai trò thiết yếu của hệ thống đa phương, đồng thời cam kết theo đuổi chính sách thương mại cởi mở và bền vững. 'Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đồng ý với điều đó', ông Lamy nói và nhấn mạnh đây là điểm khác biệt so với lập trường của Mỹ - nơi đe dọa áp thuế 100% vi phạm hoàn toàn cam kết WTO.
Phân tích sâu hơn về bất cân bằng thương mại của Trung Quốc, chuyên gia kinh tế kỳ cựu này cho rằng nguyên nhân nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô. 'Sức tiêu dùng nội địa  của Trung Quốc không đủ mạnh, kết hợp với tiết kiệm quá mức buộc năng lực sản xuất phải chuyển sang xuất khẩu với giá thấp hơn thị trường nội địa', ông giải thích.
Theo ông Lamy, để giải quyết tình trạng này, Trung Quốc cần đẩy nhanh tái cân bằng và xem xét nguyên nhân tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cao bất thường. 'Nguyên nhân chính là hệ thống phúc lợi và bảo hiểm tập thể chưa tương xứng với mức độ phát triển của Trung Quốc. Đây là thách thức lớn nhất', ông nhận định.
Dù ghi nhận những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc kích thích tiêu dùng (với gói kích thích  khoảng 1,4 nghìn tỷ USD) và hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết vấn đề nợ, cựu lãnh đạo WTO cho rằng then chốt vẫn là giải quyết bất ổn xã hội - nguyên nhân sâu xa kìm hãm tiêu dùng.
Về cải cách WTO, ông Lamy kêu gọi EU và Trung Quốc đóng vai trò tiên phong. 'Quy tắc WTO được thiết lập cách đây 30 năm không còn phù hợp trong bối cảnh ưu tiên môi trường và chuyển đổi số. Nếu EU và Trung Quốc thống nhất hướng cập nhật luật lệ, nhiều quốc gia khác sẽ tham gia', ông nói.
Mặc dù xu hướng hợp tác song phương và khu vực đang gia tăng, như Hiệp định RCEP, ông Pascal Lamy nhấn mạnh vai trò của WTO trong việc tự do hóa thương mại và giảm rào cản vẫn không thể thay thế".
Theo SCMP
Bong bóng nợ công của Mỹ có thể tăng gấp đôi trong nhiệm kỳ của ông Trump 
Trung Quốc và EU có thể thiệt hại nhiều nhất sau khi ông Trump đắc cử