Một tỉnh ở Bắc Trung Bộ chuẩn bị đấu giá nhiều mỏ khoáng sản, tạo đà phát triển kinh tế
Đây là tỉnh nằm ven biển phía Bắc của vùng Trung Bắc Bộ, miền Trung Việt Nam.
Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc vùng du lịch Bắc Trung Bộ  với địa hình đa dạng, bao gồm cả đồi núi, trung du, đồng bằng và biển. Ngoài ra, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tương đối phong phú, được phân bổ ở hầu hết các huyện.
Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định số 2184/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2024 với 6 khu vực mỏ có tổng diện tích khoảng gần 79ha. Những khu vực mỏ này đều chưa tổ chức thăm dò khoáng sản.
Trong 6 khu vực mỏ này, có 4 khu vực mỏ san lấp bao gồm mỏ đất san lấp Thạch Xuân 1, xã Thạch XUân, huyện Thạch Hà; mỏ đất san lấp Hà Linh 1, xã Hà Linh, huyện Hương Khê đều có cùng diện tích 16ha; mỏ đất san lấp Phú Lộc 4, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc với diện tích 10ha; mỏ đất san lấp Phú Lộc 1, huyện Can Lộc có diện tích 3,48ha.
Ngoài ra, có 2 khu vực mỏ đá xây dựng gồm mỏ đá xây dựng núi Nắp Trinh, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn có diện tích 18,33ha; mỏ đá xây dựng khu vực khe Chợ, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh với diện tích 15ha.
Công suất khai thác yêu cầu khi xây dựng hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản sau khi trúng đấu giá, đối với đất san lấp là từ thời gian cấp phép tối đa đến năm 2030; đối với đá xây dựng khai thác với công suất tối thiểu 250.000 m3/mỏ/năm và thời gian cấp phép khai thác tối đa không quá 12 năm.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh), ông Phạm Hữu Tình cho biết, việc đưa 6 khu vực khoáng sản đấu giá làm vật liệu xây dựng thông thường có mục đích quản lý, khai thác và sử dụng một cách tiết kiệm, hợp lý; đồng thời hướng tới mục tiêu tăng hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, đặc biệt hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường .
Bên cạnh đó, quyết định này còn là cơ hội để tỉnh phát huy những tiềm năng về khoáng sản, tạo sức hút với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này để đạt hiệu quả tối ưu, từ đó nhu cầu về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đáp ứng không chỉ trong khu vực Hà Tĩnh mà còn ở các vùng lân cận.
Như vậy, quyết định đấu giá 6 mỏ khoáng sản để làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ đem lại cho Hà Tĩnh những lợi ích tích cực về kinh tế-xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và phát huy những lợi thế về khoáng sản của địa phương.
Tại Hà Tĩnh, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh có 121 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích lên tới 6.193ha. Tuy nhiên, số lượng mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác chưa nhiều.
Bên cạnh đó, theo dự thảo quy hoạch tỉnh, trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, tỉnh sẽ thực hiện đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình, khu đô thị, khu công nghiệp,... Vì vậy, nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng sẽ tăng cao.
Quyết định này của tỉnh sẽ giúp giảm thiểu rủi ro chậm tiến độ do thiếu vật liệu xây dựng trong quá trình thi công. Những công trình được thực hiện nhanh chóng, đúng tiến độ sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, từ đó giúp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thủ tướng chỉ thị xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương 
Bộ GTVT đề xuất thay đổi phương án triển khai xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM