Mức phạt lỗi xe không chính chủ mới nhất, người dân nắm rõ để tránh vi phạm
Người dân khi mua xe, cho hoặc biếu tặng người dân phải làm thủ tục đăng ký sang tên, đổi chủ phương tiện xe trong vòng 30 ngày kể từ khi được chuyển giao xe.
Các quy định hiện nay của Luật Giao thông đường bộ  không đề cập đến khái niệm "xe không chính chủ". Trong khi đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi "không làm thủ tục đăng ký sang tên xe" hay được nhiều người hiểu là lỗi "xe không chính chủ".
Cụ thể, người dân khi mua xe, cho hoặc biếu tặng người dân phải làm thủ tục đăng ký sang tên, đổi chủ phương tiện xe trong vòng 30 ngày kể từ khi được chuyển giao xe, nếu không sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính  quy định Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Lỗi xe không chính chủ có thể bị phạt tới 8 triệu đồng
Mức phạt tiền 400.000-600.000 đồng đối với cá nhân và từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức với lỗi chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
Mức phạt tiền 2-4 triệu đồng khi người vi phạm là cá nhân và 4-8 triệu đồng đối với tổ chức với lỗi chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
Như vậy, người dân đi xe không chính chủ sẽ bị CSGT  phạt tùy theo mức vi phạm và mức cao nhất có thể lên đến 8 triệu đồng.
CSGT không được dừng xe để kiểm tra lỗi không chính chủ
Theo Bộ Công an, không có quy định nào xử phạt người đi mượn xe, chỉ cần người điều khiển phương tiện phải đem theo đăng ký xe là được. Tuy nhiên, trong trường hợp di sản thừa kế, bố, mẹ cho hẳn con cái... thì bắt buộc phải sang tên theo đúng quy định nếu không sẽ bị xử phạt.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, CSGT không được phép dừng phương tiện chỉ để kiểm tra lỗi chưa sang tên đổi chủ. Việc dừng xe chỉ được thực hiện khi phát hiện người điều khiển vi phạm các lỗi giao thông khác.
Chẳng hạn, khi xử lý các hành vi vi phạm như đi sai làn đường, không có gương chiếu hậu hoặc vượt đèn đỏ, nếu CSGT phát hiện phương tiện đã qua mua bán nhiều lần nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ, chủ sở hữu xe sẽ bị xử phạt thêm lỗi này.
Vì vậy, người dân cần chú ý tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông; mang theo đầy đủ các giấy tờ và hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ nếu sở hữu xe thông qua mua bán, thừa kế hoặc cho tặng.
>> Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu thiết bị hành trình, hình ảnh người lái
Chính thức từ 1/1/2025: Công an xã được xử lý vi phạm giao thông 
Từ 1/1/2025, trừ điểm giấy phép lái xe khi vi phạm giao thông