Muốn gia nhập đế chế bán dẫn Nvidia, ứng viên cần vượt qua những ‘cửa ải’ khó nhằn nào?
Từ các vòng tuyển dụng khắt khe đến môi trường làm việc đầy áp lực, Nvidia đòi hỏi ở ứng viên không chỉ năng lực xuất sắc mà còn là đam mê và tinh thần bền bỉ.
Trong 3 tuần vừa qua, Nvidia đã liên tục đăng tuyển nhiều vị trí mới tại Việt Nam  trên LinkedIn - bao gồm các vị trí quản lý, kỹ sư và kỹ sư cao cấp - với yêu cầu khắt khe về chuyên môn, bằng cấp và kinh nghiệm làm việc.
Giống như những chi nhánh trên toàn cầu, đây mới chỉ là bước khởi đầu trong quy trình tuyển dụng chặt chẽ của tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới.
Hiện nay, Nvidia  có khoảng 30.000 nhân viên trên toàn cầu. Dữ liệu thống kê cho thấy hơn 50% nhân viên của công ty làm việc tại Mỹ, chủ yếu trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), trong khi khu vực châu Á tập trung vào vị trí kỹ sư và vận hành. Phần còn lại phân bố tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Quy trình tuyển dụng: Loạt thử thách cam go
Khi nộp hồ sơ và nhận được lời mời phỏng vấn từ Nvidia, ứng viên sẽ bước vào một quy trình tuyển dụng được nền tảng 4DayWeek mô tả là "hành trình với những khả năng vô tận". Thời gian trung bình từ lúc nộp đơn đến khi nhận quyết định thường kéo dài 3-8 tuần.
Đầu tiên, công ty sẽ duyệt qua các hồ sơ ứng viên và lựa chọn những người phù hợp nhất. Để gây ấn tượng ngay từ bước đầu, ứng viên cần đảm bảo rằng sơ yếu lý lịch của mình phản ánh đúng yêu cầu công việc, với thông tin đầy đủ về trình độ học vấn, kinh nghiệm và những kỹ năng nổi bật.
Ứng viên sau đó sẽ được chuyển sang giai đoạn phỏng vấn sàng lọc. Ở vòng này, nhà tuyển dụng sẽ tập trung tìm hiểu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, các dự án liên quan và đặc biệt là đam mê của ứng viên với vị trí đang ứng tuyển.
Ở bước thứ 2, họ sẽ tham gia vào vòng kiểm tra kỹ thuật trực tuyến. Phỏng vấn này kéo dài khoảng 1 giờ, tập trung vào năng lực giải quyết vấn đề từ xa. Ứng viên sẽ được yêu cầu xử lý một hoặc hai bài tập mã hóa, tập trung vào thuật toán và cấu trúc dữ liệu, trong khi người phỏng vấn giám sát quá trình.
Do hình thức trực tuyến, ứng viên cần chia sẻ màn hình để minh họa các bước thực hiện.
Những ứng viên vượt qua vòng kiểm tra kỹ thuật sẽ tham gia phỏng vấn tại chỗ với 5-6 bài kiểm tra nhỏ, mỗi bài kéo dài 45 phút. Chuyên gia từ Nvidia sẽ đặt câu hỏi tổng quan trong 10 phút đầu, sau đó ứng viên phải đối mặt với các thử thách lập trình và giải quyết vấn đề trong 30 phút tiếp theo.
Những kỹ năng cần thiết cho vòng này bao gồm thành thạo ngôn ngữ lập trình C++, Python, Verilog cùng với hiểu biết về hệ thống máy tính, cấu trúc dữ liệu, thuật toán, hệ thống nhúng và Linux – những yếu tố then chốt giúp Nvidia duy trì vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực GPU, AI, robot và điện toán hiệu năng cao (HPC).
Cuối cùng, đội ngũ tuyển dụng sẽ xem xét sự phù hợp của ứng viên với văn hóa công ty và các yêu cầu của công việc. Ở giai đoạn này, các câu hỏi thường xoay quanh hành vi, cách xử lý công việc và cách ứng viên giải quyết tình huống trong môi trường làm việc.
Một cựu ứng viên chia sẻ trên Reddit: "Sách giáo khoa và YouTube chỉ là những lời khuyên lý thuyết, khó áp dụng. Thay vì cố gắng giải quyết tất cả các câu hỏi kỹ thuật ngay lập tức, hãy xem đó như một kỳ thi cạnh tranh và xử lý từng đợt. Thời gian không bao giờ đủ để giải quyết hết mọi vấn đề".
Theo thống kê từ Glassdoor, 60% người tham gia phỏng vấn tại Nvidia đánh giá trải nghiệm của họ là "tích cực", 18% "tiêu cực" và 23% "trung lập". Mức độ khó của quy trình tuyển dụng được đánh giá là 3,2/5 - cao hơn một chút so với các công ty Big Tech khác.
Văn hóa làm việc tại Nvidia
Mặc dù quá trình tuyển dụng rất khắc nghiệt, nhưng các nhân viên của Nvidia lại được hưởng nhiều phúc lợi hấp dẫn. Tuy nhiên, gia nhập Nvidia đồng nghĩa với việc đối mặt với áp lực công việc khổng lồ.
Một tờ báo đã mô tả môi trường làm việc tại đây là "áp lực nồi hơi", với nhịp độ công việc cao và yêu cầu khắt khe từ CEO Jensen Huang.
Một cựu nhân viên tiết lộ, kỹ sư tại Nvidia thường làm việc cả tuần, thậm chí đến 1-2 giờ sáng. Một nữ nhân viên khác chia sẻ rằng cô phải tham gia từ 7 đến 10 cuộc họp mỗi ngày, trong đó không ít cuộc xảy ra cãi vã và căng thẳng.
Khác với nhiều công ty công nghệ khác, nhân viên Nvidia không có không gian thư giãn hay cơ hội làm việc "chờ nhận cổ phiếu thưởng".
Dù vậy, theo Business Insider, công ty này không có chính sách sa thải nhân viên. Thay vào đó, những cá nhân không đạt hiệu quả cao sẽ được chuyển sang nhóm khác để thử sức, thay vì bị loại bỏ.
Jensen Huang, CEO của Nvidia, từng chia sẻ trong chương trình 60 Minutes rằng phong cách lãnh đạo của ông được hình thành qua nhiều thử thách và khó khăn trong suốt hơn 30 năm điều hành công ty.
Ông luôn khuyến khích nhân viên vượt qua giới hạn của bản thân, sẵn sàng "tra tấn để họ trở nên tuyệt vời hơn".
"Mọi việc nên như vậy. Nếu muốn đạt được điều phi thường, bạn không thể làm những việc dễ dàng được", ông nói.
Tổng hợp
>> Nvidia tuyển dụng hàng trăm nhân sự tại láng giềng Việt Nam để phát triển xe tự lái