Phó giáo sư hàng đầu cảnh báo Thái Lan 'Hãy thức tỉnh' sau quyết định của CEO Nvidia tại Việt Nam
Việt Nam được chọn làm điểm đến chiến lược của Nvidia tại Đông Nam Á, một vị Phó giáo sư Kinh tế Thái Lan kêu gọi người Thái hãy cẩn thận với nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Trước chuyến thăm Việt Nam, CEO Nvidia Jensen Huang đã dừng chân tại Thái Lan, nơi ông có cuộc gặp quan trọng với Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra. Cuộc gặp tập trung thảo luận về hợp tác phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) của Thái Lan, xây dựng cơ sở hạ tầng đẳng cấp quốc tế, chia sẻ chuyên môn và đào tạo nhân tài.
Ông Huang nhận định Thái Lan sở hữu tiềm năng lớn trong lĩnh vực AI, nhờ cơ sở hạ tầng dữ liệu, nguồn nhân lực dồi dào và mạng lưới kinh doanh mạnh mẽ.
Nvidia cam kết hợp tác trên cơ sở tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ và thông lệ địa phương, góp phần phát triển các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp thông minh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số của Thái Lan.
CEO Nvidia cũng đánh giá cao đội ngũ chuyên gia tài năng tại Thái Lan và bày tỏ mong muốn hiện thực hóa các cơ hội hợp tác cụ thể trong thời gian sớm nhất. Trong chuyến thăm, ông Huang đã ký kết thỏa thuận với công ty công nghệ SIAM.AI  để phát triển "đám mây có chủ quyền" đầu tiên tại Thái Lan, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ của quốc gia này.
Sau khi rời Thái Lan, ông Huang tiếp tục hành trình đến Việt Nam với chuỗi hoạt động thúc đẩy hợp tác và công bố trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) mới tại đây. Đây được xem là động thái chiến lược của Nvidia trong việc mở rộng mạng lưới tại khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh Nvidia và Việt Nam ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Aksornsri Phanishsarn, giảng viên Khoa Kinh tế tại Đại học Thammasat, Thái Lan, đã có bài đăng trên Facebook cá nhân với hashtag “#WakeupThai” (tạm dịch: “Người Thái hãy thức tỉnh”).
Trong bài viết, bà nhấn mạnh những hoạt động đáng chú ý của CEO Nvidia Jensen Huang tại Việt Nam, ngay sau chuyến thăm Thái Lan. “Đây không chỉ là một chuyến đi thoáng qua, ông ấy thật sự xem Việt Nam như điểm đến chiến lược” bà viết.
PGS. Phanishsarn bày tỏ sự ngưỡng mộ trước các quyết định chiến lược của Nvidia tại Việt Nam. Trong số đó, việc thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam được bà đặc biệt nhấn mạnh. “Ông ấy tin vào tiềm năng và tương lai của AI tại Việt Nam,” bà viết, đồng thời chỉ ra đây là trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại khu vực ASEAN.
Tập đoàn Nvidia cũng gây chú ý khi mua lại VinBrain , một startup AI trực thuộc VinGroup, đồng thời bắt tay với Viettel - tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam - để thành lập Trung tâm Không gian mạng. Bên cạnh đó, hãng còn hợp tác với FPT, công ty CNTT lớn nhất Việt Nam, nhằm phát triển hệ thống cloud thông minh.
Một hình ảnh khác khiến Phó Giáo sư Phanishsarn ấn tượng là khoảnh khắc CEO Jensen Huang cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thưởng thức ẩm thực đường phố tại Hà Nội. “Họ ngồi ăn một bữa tối đơn giản giữa lòng Hà Nội, gồm chân gà, thịt lợn chiên giòn, đậu phụ hành lá và nhâm nhi bia để kỷ niệm hợp tác”, bà Phanishsarn chia sẻ trong bài đăng.
Nữ Phó Giáo sư kết luận lý do Nvidia chọn Việt Nam: “Đội ngũ nhân tài hùng hậu, gồm các kỹ sư, nhà khởi nghiệp STEM, và sinh viên được đào tạo bài bản trong môi trường giáo dục nghiêm túc về AI”.
Nvidia tuyên bố sẽ sử dụng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) mới tại Việt Nam để tập trung vào phát triển phần mềm, tận dụng đội ngũ kỹ sư STEM tài năng của quốc gia, đồng thời thu hút sự hợp tác từ các nhà lãnh đạo ngành, công ty khởi nghiệp, cơ quan chính phủ, trường đại học và sinh viên. Thông cáo của Nvidia khẳng định: “Mục tiêu là đẩy nhanh quá trình áp dụng AI, mở ra những bước tiến quan trọng trong công nghệ.”
Phó Giáo sư - Tiến sĩ kinh tế Aksornsri Phanishsarn, người dẫn lại thông tin này, từng là cố vấn Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Thái Lan, từng theo học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Hiện bà giảng dạy tại Đại học Thammasat, một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu của Thái Lan.
Đại học Thammasat được biết đến với tiêu chuẩn học thuật cao, xếp hạng thứ hai về mức độ cạnh tranh và điểm số cao nhất trong hệ thống tuyển sinh đại học trung ương của Thái Lan. Theo bảng xếp hạng QS, Thammasat đứng ở vị trí 596 toàn cầu, trong khi bảng xếp hạng THE đưa trường vào nhóm 1201–1500 trên thế giới.
Quyết định của Nvidia không chỉ khẳng định tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái AI  khu vực ASEAN.
Theo Straits Times
>> 20 năm 3 đời Thủ tướng : Sóng gió ở gia tộc quyền lực bậc nhất Đông Nam Á