Toan tính của Trung Quốc khi chi hàng chục tỷ USD xây hệ thống đường sắt cao tốc tại các nước Đông Nam Á
Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống đường sắt cao tốc tại Đông Nam Á, với tham vọng xây dựng "Hành lang Vàng" kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, tuy nhiên cũng làm dấy lên nghi ngại về gánh nặng nợ công cho các quốc gia tiếp nhận.
Tại Lào, tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD đã được xây dựng, vượt qua những cánh đồng lúa và dãy núi rừng để kết nối thủ đô Viêng Chăn với biên giới Trung Quốc.
Trong khi đó, Malaysia đang tích cực tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc cho tuyến đường sắt cao tốc nối liền các thành phố lớn với Singapore. Việt Nam cũng đang hợp tác với Trung Quốc trong ba dự án đường sắt trị giá 6,3 tỷ USD.
Những dự án này là mắt xích quan trọng trong chiến lược kết nối của Trung Quốc, nhằm tạo ra một hành lang giao thông dài hơn 4.000 km từ các tỉnh sản xuất của họ đến Singapore. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nhiều dự án có thể mất hàng thập kỷ để thu hồi vốn, thậm chí có nguy cơ không bao giờ hòa vốn.
Tại Lào, tuyến đường sắt Viêng Chăn - Côn Minh đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Theo số liệu từ Công ty Đường sắt Lào-Trung Quốc, sau ba năm hoạt động, tuyến đường đã vận chuyển khoảng 6 triệu hành khách và 9,5 triệu tấn hàng hóa. Chính phủ Trung Quốc thậm chí đã miễn thị thực cho du khách Trung Quốc để thúc đẩy du lịch.
Tuy nhiên, với khoản đầu tư 1,79 tỷ USD - chiếm 30% cổ phần của Lào trong liên doanh - dự án đang tạo áp lực nặng nề lên nền kinh tế 15 tỷ USD của quốc gia này. Viện nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cảnh báo rằng dự án "không có khả năng mang lại lợi ích kinh tế lớn" và "có khả năng gây ra khoản nợ dự phòng rất lớn".
Quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào Vathana Dalaloy thừa nhận những khó khăn về kinh tế và tài chính, nhưng vẫn lạc quan: "Tôi dự đoán Đường sắt Lào-Trung Quốc  có thể đạt điểm hòa vốn sớm hơn dự kiến, dựa trên dòng doanh thu đang chảy qua hệ thống ngân hàng."
Sự thay đổi quan điểm trong khu vực
Đáng chú ý là đã có sự thay đổi lớn về quan điểm so với vài năm trước, khi nhiều dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)  của Trung Quốc bị chỉ trích là không công bằng hoặc thiếu minh bạch trong vấn đề nợ công. Điển hình như năm 2018, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đình chỉ ba dự án BRI, bao gồm tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau khi đối mặt với khoản phạt hủy hợp đồng 5 tỷ USD, Malaysia đã đàm phán lại, giảm chi phí dự án xuống còn 17,8 tỷ USD.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke thừa nhận có thể mất từ 50 đến 100 năm để thu hồi vốn, nhưng khẳng định: "Phải xem xét dự án này có thể biến đổi đất nước như thế nào, đặc biệt là tiềm năng phát triển các khu công nghiệp".
Năm 2023, Indonesia  đã khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á tại Jakarta với tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ USD. Thái Lan cũng đã bắt đầu chạy thử tuyến đường sắt nối Bangkok với Viêng Chăn, dự kiến sẽ kết nối với Trung Quốc qua Lào vào năm 2028.
Ông Christoph Nedopil Wang, Giám đốc Viện Griffith Châu Á, nhận xét: "Ưu điểm của Trung Quốc là họ nhìn nhận các tuyến đường sắt như một phần của bức tranh lớn hơn, không đơn thuần là những dự án riêng lẻ cần sinh lời".
Mặc dù Trung Quốc đang điều chỉnh cách thức cho vay cơ sở hạ tầng sau những bài học từ việc vỡ nợ ở Pakistan và Sri Lanka , đầu tư nước ngoài vẫn là nguồn vốn đóng vai trò lớn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tại các nước đang phát triển trong khu vực.
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định một mạng lưới đường sắt rộng lớn sẽ mang lại "lợi ích to lớn" cho khối kinh tế lớn thứ năm thế giới này. Ông nhấn mạnh: "Mọi quốc gia đều có nợ. Điều quan trọng nhất là cách các quốc gia quản lý nợ nần của mình."
Tuy nhiên, những thách thức vận hành đã bắt đầu xuất hiện. Tại Indonesia, mặc dù tuyến đường sắt do Trung Quốc hậu thuẫn đã giúp tiết kiệm được hàng triệu USD chi phí nhiên liệu và thời gian đi lại, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu về lượng hành khách.
Nhà nghiên cứu Quản lý kinh tế PT Kereta Api của Indonesia đã bày tỏ lo ngại về gánh nặng nợ nần và kêu gọi chính phủ hỗ trợ thêm để trang trải chi phí hoạt động.
Trước những hoài ngại này, Trung Quốc bảo vệ quan điểm "sự hợp tác cùng có lợi" trong đầu tư và ngoại giao với các nước đang phát triển. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định trong cuộc họp với các đối tác khu vực vào tháng 7: "Các mối liên hệ và liên kết lẫn nhau đang ngày càng sâu sắc và thực chất hơn. Tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đang bùng nổ".
Theo BNN, Financial Times