Mỹ - Trung và ngoại giao không gian
Hợp tác khoa học giữa Mỹ và Trung Quốc bị chỉ trích trong những năm gần đây bởi một số nhà lập pháp Mỹ - những người tập trung vào sự cạnh tranh quân sự giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, hai bên đang thương lượng về mẫu đá Mặt trăng, đánh dấu một trường hợp hiếm hoi về mối liên lạc liên quan đến không gian vũ trụ giữa hai đối thủ.
Tháng 8, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã để một thỏa thuận khoa học và công nghệ kéo dài hàng thập kỷ với Trung Quốc hết hạn. Hiện, hai quốc gia đang đàm phán về khả năng gia hạn thỏa thuận này.
Về mặt ngoại giao không gian, một điều luật của Mỹ từ năm 2011 có tên là Tu chính án Wolf (do cựu nghị sĩ Frank Wolf) đề xuất, đã ngăn cản việc hợp tác. Luật này yêu cầu NASA phải làm việc với FBI để chứng nhận với Quốc hội rằng bất kỳ cuộc trao đổi nào với Trung Quốc sẽ không đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Không gian đang trở thành một đấu trường ngày càng cạnh tranh, nhờ sự trỗi dậy của hãng SpaceX (Mỹ) và sự quan tâm trở lại của các chính phủ trong việc mở rộng mạng lưới vệ tinh và thực hiện các sứ mệnh thám hiểm không gian.
Hình ảnh này (được lấy từ video tại Trung tâm Kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh ngày 2/6/2024) cho thấy sự kết hợp giữa tàu đổ bộ và tàu lên của tàu thăm dò Thường Nga-6 hạ cánh ở phía xa của Mặt trăng. Ảnh: Xinhua. |
Hợp tác quốc phòng
Năm nay, phía Trung Quốc  đã tăng cường hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ và nhiều cơ quan khác của Mỹ về các hoạt động không gian của mình, từ việc thông báo về các vụ phóng tên lửa đến việc xác định thời điểm vệ tinh quay trở lại khí quyển của Trái đất, theo ông Stephen Whiting - chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ.
“Trung Quốc từng làm điều này một cách ngắt quãng, nhưng không phải như bây giờ. Tôi nghĩ rằng càng hoạt động trong không gian, họ càng nhận thấy giá trị của việc tăng cường an toàn”, ông Whiting nói.
Một số công ty và nhà khoa học không gian lo ngại rằng căng thẳng quân sự và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm gián đoạn một kỷ nguyên mới của thông tin liên lạc vệ tinh và các sứ mệnh thám hiểm không gian, bao gồm việc đưa phi hành gia lên Mặt trăng và sau đó có thể là sao Hỏa.
Chương trình Artemis của NASA đặt mục tiêu đưa các phi hành gia quay trở lại Mặt trăng trong vài năm tới, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ.
Trung Quốc cũng có tham vọng đưa phi hành gia của mình đặt chân lên khu vực tương tự của Mặt trăng vào khoảng năm 2030. Họ cũng đã bắt đầu triển khai các chòm sao vệ tinh quay quanh quỹ đạo thấp của Trái đất, vốn sẽ bay gần với mạng Starlink của SpaceX và Kuiper của Amazon trong tương lai.
Những bước phát triển này làm gia tăng sự cấp thiết đối với mục tiêu lâu dài của giới chức không gian Mỹ trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho quản lý giao thông không gian.
Các quan chức Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc để các tầng tên lửa không tái sử dụng rơi xuống Trái đất ở khu vực nông thôn Trung Quốc, gây nguy hiểm cho tính mạng của người dân. Họ cũng tỏ ra thất vọng vào tháng 8 khi một tầng tên lửa của Trung Quốc vỡ ra trong không gian, tạo ra một trong những trường bụi không gian lớn nhất trong lịch sử.
Thu hồi khoang chứa của tàu thăm dò Thường Nga-6 tại Khu tự trị Nội Mông, miền bắc Trung Quốc (Ảnh chụp ngày 25/6/2024). Ảnh: Xinhua. |
Đàm phán hiếm gặp
Cuộc thảo luận về mẫu đá Mặt trăng đánh dấu một trường hợp hiếm hoi về mối liên hệ liên quan đến không gian giữa hai đối thủ Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây.
Giới chức NASA đã trao đổi dữ liệu với các đối tác Trung Quốc vào năm 2021 để tránh nguy cơ va chạm giữa các tàu thăm dò không người lái của họ trong quỹ đạo sao Hỏa. Các quan chức của NASA và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã nói chuyện với các đối tác Trung Quốc vào năm ngoái về sứ mệnh tàu thăm dò Mặt trăng Thường Nga-5 của Trung Quốc, nhưng cuộc đàm phán này chỉ diễn ra ngắn gọn và theo một giao thức ngoại giao khác, Reuters đưa tin.
Các mẫu đá mà hai tàu thăm dò Thường Nga-5 và Thường Nga-6 thu thập được có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu những hiểu biết sâu sắc về cách bề mặt Mặt trăng có thể được khai thác để duy trì các sứ mệnh dài hạn của phi hành gia và xây dựng các căn cứ trên Mặt trăng trong thập kỷ tới.
NASA chưa thảo luận với Trung Quốc về khả năng nhận được các mẫu từ Thường Nga-6, một phát ngôn viên của NASA cho biết. Trong cuộc thảo luận với Reuters về Thường Nga-6 vào giữa tháng 10/2024, Giám đốc NASA Bill Nelson nói rằng NASA đang đàm phán để nhận được các mẫu từ Trung Quốc, nhưng một phát ngôn viên sau đó làm rõ rằng ông đang đề cập đến các mẫu từ sứ mệnh Thường Nga-5.
Ít nhất bốn trường đại học Mỹ đã nộp đơn xin tiếp cận các mẫu vật này, theo ông Nelson.
NASA đang chờ đợi phía Trung Quốc làm rõ các điều khoản trong thỏa thuận cho mượn, theo hai người nắm rõ về các cuộc thảo luận này. Một trong những nguồn tin này cho biết một số quan chức Mỹ vẫn dè dặt về một thỏa thuận tiềm năng vì lo ngại rằng điều này có thể làm suy yếu lập trường mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc.
Ông Nelson cho biết ông kỳ vọng NASA sẽ làm việc với FBI để thực hiện một cuộc chứng nhận an ninh quốc gia khác với Quốc hội, nhằm cho phép chuyển các mẫu đá Mặt trăng tới các trường đại học Mỹ để nghiên cứu.
Mẫu vật Mặt trăng số 001 do tàu thăm dò Thường Nga-5 của Trung Quốc mang về đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua. |
“Khi bạn thực sự bắt đầu hợp tác, bạn sẽ có một chương trình không gian bền vững. Không thể xem thường ngoại giao khoa học”, giáo sư Clive Neal tại Đại học Notre Dame, người đã tham gia vào các nỗ lực để có quyền tiếp cận các mẫu đá Mặt trăng do Trung Quốc thu thập, nhận định.
>> Cuộc chiến bán dẫn Mỹ - Trung: Trên nóng, dưới lạnh 
IMF: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mang đến cơ hội không thể bỏ qua cho Việt Nam và ASEAN