Thế giới

Mỹ và Anh từ chối ký tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh AI, nhóm 60 quốc gia bế tắc

Vũ Bấc 12/02/2025 11:02

Mỹ quyết tâm duy trì vị thế dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ AI trước Trung Quốc, trong khi châu Âu tìm cách khẳng định vai trò độc lập.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Hành động AI ở Paris hôm 11/12, Mỹ và Vương quốc Anh đã không tham gia ký kết tuyên bố chung với khoảng 60 quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo an toàn. Động thái này gây trở ngại cho sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc xây dựng đồng thuận toàn cầu về công nghệ AI.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nhấn mạnh cam kết của chính quyền Trump trong việc duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ về công nghệ AI. "Chính quyền Trump sẽ đảm bảo rằng các hệ thống AI mạnh mẽ nhất được xây dựng tại Mỹ, với các con chip do Mỹ thiết kế và sản xuất", ông Vance tuyên bố trước các nhà lãnh đạo thế giới và lãnh đạo công nghệ.

Ông Vance cũng cảnh báo châu Âu không nên áp đặt các quy định "quá thận trọng" đối với AI. Theo ông, mặc dù Mỹ sẵn sàng hợp tác quốc tế, nhưng các quy định cần thúc đẩy thay vì kìm hãm sự phát triển của công nghệ này.

Mỹ và Anh từ chối ký tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh AI, nhóm 60 quốc gia bế tắc - ảnh 1
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cảnh báo về "quy định quá mức" đối với AI có thể hạn chế sự phát triển của ngành, tại Hội nghị thượng đỉnh Hành động về AI tại Paris

Tuyên bố chung được ký kết bởi nhiều quốc gia lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Đức, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển AI "cởi mở, toàn diện, minh bạch, đạo đức, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" theo các khuôn khổ quốc tế.

Đáng chú ý, cả Mỹ và Vương quốc Anh đều đã từng ký các tuyên bố tương tự tại các hội nghị thượng đỉnh AI trước đây, dù các cam kết này không mang tính ràng buộc pháp lý.

Theo nguồn tin thân cận với chính phủ Anh, cách diễn đạt trong tuyên bố lần này được cho là "quá hạn chế". Người phát ngôn chính phủ Anh cũng chỉ ra rằng văn bản "thiếu sự rõ ràng về quản trị toàn cầu và chưa giải quyết thỏa đáng các vấn đề an ninh quốc gia".

Lập trường cứng rắn của Mỹ được cho là xuất phát từ cuộc đua công nghệ với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chip và phát triển chatbot. Gần đây, sự xuất hiện của mô hình AI mới từ DeepSeek (Trung Quốc) đã gây chấn động tại Thung lũng Silicon, trong đó có OpenAI, khi mô hình này cho thấy khả năng tạo ra kết quả chất lượng cao với chi phí thấp hơn đáng kể.

Mỹ và Anh từ chối ký tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh AI, nhóm 60 quốc gia bế tắc - ảnh 2
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong Hội nghị thượng đỉnh Hành động AI tại Paris, 11/2/2025

Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu, châu Âu đang nỗ lực khẳng định vị thế và giảm phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực AI. Tại hội nghị thượng đỉnh hai ngày do Tổng thống Pháp Macron chủ trì, các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp châu Âu đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 200 tỷ euro vào hạ tầng dữ liệu và điện toán.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tin và an toàn trong phát triển AI. Tuy nhiên, quan điểm này đã vấp phải sự phản đối từ Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. "Chúng tôi tin rằng việc quản lý quá mức có thể bóp nghẹt một ngành công nghiệp đang trong giai đoạn bứt phá", ông Vance tuyên bố.

Lập trường này đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ so với chính quyền Biden trước đây, theo nhận định của Keegan McBride, chuyên gia từ Viện Internet Oxford. Nhiều nhân vật thân cận với ông Trump, trong đó có Elon Musk, đã chỉ trích gay gắt việc chính quyền tiền nhiệm tập trung vào các vấn đề an toàn AI như thiên vị và thông tin sai lệch.

Chuyên gia Frederike Kaltheuner từ Viện AI Now cho rằng sự xuất hiện của DeepSeek đã tạm thời khơi dậy hy vọng cạnh tranh trong lĩnh vực AI của châu Âu. Tuy nhiên, theo McBride, phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã dập tắt kỳ vọng này: "Giống như một thông điệp ngầm rằng 'Các bạn không phải là người ra quyết định ở đây. Chúng tôi mới là người quyết định'."

Tham khảo Financial Times

>> Quốc gia châu Âu công bố kế hoạch đầu tư 110 tỷ USD phát triển AI, chạy đua với các siêu cường

Siêu dự án 500 tỷ USD biến Mỹ thành siêu cường số 1 thế giới về AI có diễn biến mới

Trung Quốc làm điều không tưởng: Chế tạo chip AI chỉ nhỏ bằng hạt muối, có thể xử lý dữ liệu với tốc độ cực nhanh

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/my-va-anh-tu-choi-ky-tuyen-bo-chung-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-ai-nhom-60-quoc-gia-be-tac-136617.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Mỹ và Anh từ chối ký tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh AI, nhóm 60 quốc gia bế tắc
    POWERED BY ONECMS & INTECH