Năm 2024, dòng tiền từ ngân hàng vào bất động sản có thể tăng mạnh?
Thị trường bất động sản dù đã có dấu hiệu tích cực hơn nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, khiến nhiều nhà đầu tư do dự.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, lãi suất gửi tiết kiệm giảm mạnh trong thời gian vừa qua khiến giới đầu tư kỳ vọng rằng, lượng tiền lớn đổ từ ngân hàng vào bất động sản có chuyển biến tăng mạnh. Song, ông Hiển cho rằng, điều này khó trở thành hiện thực bởi theo dự báo của vị chuyên gia này, tiền đổ vào bất động sản còn rất chậm. Nền kinh tế và tiêu dùng nội địa cần thêm cả năm 2024 để vượt qua những thách thức.
Theo ông Hiển, mặc dù có nhiều dự báo tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô như giảm lãi suất tiền gửi, ổn định chỉ số CPI và tỷ giá, nhưng nguy cơ “kẹt” của dòng tiền vào bất động sản vẫn là vấn đề quan trọng.
>> Ngân hàng đẩy mạnh cho vay từ đầu năm 2024 
Ông Hiển phân tích, năm 2012, thị trường bất động sản đóng băng và xuất hiện cục nợ xấu làm tắc nghẽn nhiều ngân hàng. Khi đó, Nhà nước phải mất 5 năm xử lý mới tạm ổn. Đến thời điểm hiện tại, nợ xấu không còn là nỗi lo của ngân hàng nhưng trái phiếu bất động sản lại trở thành gánh nặng cản trở dòng tiền chảy.
TS. Đinh Thế Hiển dẫn số liệu, năm 2023 các công ty bất động sản chỉ thanh toán chừng 15% trái phiếu đến hạn. Năm 2024 số tiền ước tính nhiều hơn khoảng 16 tỷ USD. Điều này buộc các công ty bất động sản phải chật vật kiếm tiền trả trả hoặc chỉ còn cách xin khất nợ. Về phía ngân hàng, đây là chỉ tiêu ảnh hưởng đến quyết định cho vay doanh nghiệp địa ốc.
Tuy nhiên, ông Hiển dự báo, dòng tiền vào bất động sản sẽ có cải thiện nhưng không đột biến mà diễn ra từ từ. “Trong năm 2024 nguồn tiền mặt lớn sẽ không đổ vào thị trường bất động sản, do vậy thị trường này chỉ tiếp tục chờ niềm tin của những nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền kiếm lời cao từ đất đang xuống quá”, ông nhấn mạnh.
Thị trường Bất động sản đã có dấu hiệu tích cực hơn |
Dữ liệu nghiên cứu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy, nguồn vốn vẫn là khó khăn đeo bám nhiều doanh nghiệp, dòng tiền đổ vào lĩnh vực này vẫn còn đang rất “gập ghềnh".
Theo đó, mặc dù tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành lũy kế 11 tháng đầu năm 2023 mới chỉ vượt qua con số 80 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, dù lãi suất huy động liên tục giảm sâu, thiết lập mặt bằng tương đương với thời kỳ dịch Covid-19, lượng tiền gửi của người dân trong các ngân hàng vẫn đang tăng mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tiền gửi dân cư chỉ đạt 2,92%, trong khi trong cùng khoảng thời gian năm 2023, con số này tăng lên 9,95%.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Việt Nam, khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường địa ốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức cầu của thị trường. Niềm tin của người mua nhà vẫn chưa hồi phục. Mặc khác, thị trường đang tồn kho các sản phẩm có giá trị cao. Trong khi, các giao dịch phát sinh chủ yếu đối với bất động sản giá dưới 3 tỷ đồng. Đó là lý do mà dù lãi suất cho vay bất động sản giảm nhưng người mua nhà không hào hứng xuống tiền.
Tuy nhiên, ông Đính vẫn kỳ vọng, dòng tiền từ ngân hàng sẽ đổ vào bất động sản khi thị trường năm 2024 có tín hiệu khởi sắc cũng như các dự án được tháo gỡ khó khăn về pháp lý.
>> Bán bảo hiểm, ngân hàng lãi nghìn tỷ, người vay nước mắt hai hàng