Năm 2025, dự kiến khởi công siêu cảng quốc tế hơn 113.000 tỷ đồng, sánh vai với các 'ông lớn' Hồng Kông, Singapore
Dự án dự kiến mang lại cơ hội việc làm cho 6.000 đến 8.000 lao động tại cảng, cùng hàng chục nghìn việc làm trong các lĩnh vực liên quan.
Báo Lao Động đưa tin, vào ngày 29/12, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết vào ngày 23/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế  Cần Giờ. Trước đó, vào ngày 6/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có báo cáo thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương dự án.
Ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh: “Nếu mọi thủ tục diễn ra thuận lợi, Chính phủ có thể phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tuần tới”.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM thông tin thêm rằng sau khi được thông qua, thành phố sẽ tiến hành đẩy nhanh các bước triển khai, phấn đấu khởi công dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ngay trong năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được xây dựng trên diện tích rộng 571ha với tổng vốn đầu tư khoảng 113.531 tỷ đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, trong đó, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030 - 2045) sẽ tiếp tục hoàn thiện toàn bộ các khu bến còn lại, biến cảng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế quan trọng của khu vực.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tọa lạc tại cửa sông Cái Mép - Thị Vải, nằm trong vịnh Gành Rái, vị trí chiến lược gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông. Đây là lợi thế vàng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được các chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành "mỏ vàng" chiến lược, mở ra cánh cửa đưa Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn. Dự án này không chỉ củng cố vị thế của TP. HCM – một trong những đô thị giàu có nhất Việt Nam – mà còn nâng tầm thành phố, giúp giữ vững vai trò trung tâm logistics hàng đầu khu vực và châu Á, sánh vai với những "ông lớn" như Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore.
Ngoài ra, dự án cũng dự kiến mang lại cơ hội việc làm cho 6.000 đến 8.000 lao động tại cảng, cùng hàng chục nghìn việc làm trong các lĩnh vực liên quan như dịch vụ hậu cần, logistics  và các ngành nghề phụ trợ.